Để điệu "nhi a…sloong hau..." vang mãi

Posted Thu, 12/10/2015 - 16:52
By admin

Từ lâu, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc vẫn được biết đến là nơi có phong trào hát Sli sôi nổi nhất so với các địa bàn khác trong tỉnh. Người Nùng ở Hải Yến trước đây hầu hết ai cũng biết hát sli. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân phong trào hát sli ở Hải Yến ngày càng bị mai một và đang rất cần được phục dựng, bảo tồn.Niềm vui gặp nhau giữa hội Ảnh: BTHải Yến là xã duy nhất trên địa bàn huyện Cao Lộc có đến 99,9% dân số là người dân tộc Nùng Phàn Slình sinh sống. Trước đây, trong những dịp lễ, tết, hội làng, hay chỉ đơn thuần sau mỗi vụ thu hoạch, nhân dân xã Hải Yến vẫn thường đem làn điệu sli sloong hau để giao duyên, đối đáp nhau. Không ngoa khi cho rằng, sli sloong hau phản ánh chân thực nhất đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Nùng ở Hải Yến. Theo tiếng Nùng Phàn Slình, “Sloong hau” nghĩa là “đôi ta”, hát sli sloong hau là một dạng diễn xướng dân gian với hai giọng (bè cao và bè trầm), tùy theo...

Từ lâu, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc vẫn được biết đến là nơi có phong trào hát Sli sôi nổi nhất so với các địa bàn khác trong tỉnh. Người Nùng ở Hải Yến trước đây hầu hết ai cũng biết hát sli. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân phong trào hát sli ở Hải Yến ngày càng bị mai một và đang rất cần được phục dựng, bảo tồn.

Niềm vui gặp nhau giữa hội

Hải Yến là xã duy nhất trên địa bàn huyện Cao Lộc có đến 99,9% dân số là người dân tộc Nùng Phàn Slình sinh sống. Trước đây, trong những dịp lễ, tết, hội làng, hay chỉ đơn thuần sau mỗi vụ thu hoạch, nhân dân xã Hải Yến vẫn thường đem làn điệu sli sloong hau để giao duyên, đối đáp nhau. Không ngoa khi cho rằng, sli sloong hau phản ánh chân thực nhất đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Nùng ở Hải Yến. Theo tiếng Nùng Phàn Slình, “Sloong hau” nghĩa là “đôi ta”, hát sli sloong hau là một dạng diễn xướng dân gian với hai giọng (bè cao và bè trầm), tùy theo hoàn cảnh mà người hát chọn chủ đề sli khác nhau như: sli làm quen, sli tỏ tình, sli vào bản, sli theo ngày...Là làn điệu luôn đi hai giọng nên trong các cuộc giao lưu, mỗi bên nam - nữ phải có hai người hoặc một tốp người. Mặc dù nội dung và hình thức của các cuộc sli sloong hau ở Hải Yến đều diễn ra tương tự như sli của các nhánh Nùng khác nhưng làn điệu sli của người Nùng Phàn Slình mang hơi hướng khỏe khoắn, sôi nổi hơn. Trong vài năm trở lại đây, sli sloong hau – di sản văn hóa phi vật thể đã có từ lâu đời gắn với quá trình hình thành và phát triển của tộc người Nùng Phàn Slình xã Hải Yến đang có nguy cơ mai một dần. Mặc dù, làn điệu này vẫn thi thoảng xuất hiện trong các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở cấp cơ sở và cấp tỉnh. Tuy nhiên những tiết mục đó phần nào đã được chỉnh lý, cải biên theo cách riêng của người hát để đưa lên sân khấu cho phù hợp, không còn giữ được lối hát nguyên bản. Bà Lý Thị Viển, thôn Bó Khuông, một trong số ít những nghệ nhân còn biết hát sli sloong hau cổ ở xã Hải Yến chia sẻ: Bà đã làm quen với hát sli từ khi còn chưa biết cầm cuốc lên nương. Hồi đó, ai ai trong thôn cũng thuộc làu làu lối hát sli cổ khi trầm, khi bổng. Điệu sli đã theo bà từ lần đầu cùng chúng bạn đi trảy hội đến tận bây giờ. Nhưng, hiện nay con cháu trong nhà dường như không còn mặn mà với điệu sli của dân tộc nữa, thay vào đó là những bản nhạc hiện đại và các trò chơi online. 

Theo khảo sát, xã Hải Yến chỉ còn chưa đến 10 người còn lưu giữ trong trí nhớ một số bài sli sloong hau cổ. Nhưng phần lớn các nghệ nhân tuổi đã cao, chỉ còn một số ít đủ minh mẫn và có khả năng truyền dạy. Những văn bản liên quan đến các bài sli sloong hau cũng còn lại rất hiếm, chủ yếu là những bản chép tay đã nhàu nát theo thời gian. Trước nguy cơ mai một dần điệu sli sloong hau trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc Nùng Phàn Slình trên địa bàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hải Yến đã chỉ đạo các thôn có nghệ nhân biết hát sli sloong hàu vận động trước hết là con cháu trong gia đình học và tập luyện các làn điệu sli rồi từ đó nhân rộng ra trong xóm, thôn. Trong các dịp lễ hội, ngoài các hoạt động thể thao dân gian, múa võ cổ truyền, thì các tiết mục sli, lượn…cũng được lồng ghép biểu diễn thu hút nhiều nghệ nhân và cả thanh, thiếu niên tham gia. Xã cũng đã đóng góp không ít những hạt nhân văn nghệ tham gia các hội diễn của huyện, của tỉnh. Tháng 11 năm 2012, dự án “Bảo tồn di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một” do Quỹ hỗ trợ Bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian - Trung tâm trao đổi Giáo dục với Việt Nam tài trợ đã tổ chức khai giảng lớp truyền dạy hát sli sloong hau tại xã Hải Yến. Tham gia lớp học có 30 học viên thuộc 4 thôn gồm: Tồng Riền, Bó Khuông, Khuổi Đứa, Pác Bó và một số học sinh trường THCS xã với độ tuổi từ 12 đến 50 tuổi. Trước đó, chủ nhiệm dự án đã khảo sát và trực tiếp gặp gỡ những nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát sli của xã, vận động các nghệ nhân ghi chép lại các điệu sli sloong hau cổ của quê hương rồi biên soạn thành giáo trình để truyền dạy cho nhân dân trong xã. Khi tham gia lớp học, các học viên sẽ được làm quen với những điệu sli sloong hau cổ để có nền tảng, rồi tùy theo sự sáng tạo của bản thân mà có sự ứng đối khéo léo khi hát đối đáp. Từ đó, bản thân mỗi học viên sẽ là môt tuyên truyền viên tích cực đưa làn điệu sli sloong hau trở nên gần gũi hơn với đời sống như trước đây. Em Hoàng Thu Hằng, học sinh lớp 7 Trường THCS xã Hải Yến, học viên nhỏ tuổi nhất cho biết: Khi biết có lớp học dạy hát sli sloong hau, lại được các bác, các chú trong xã trực tiếp giảng dạy, em đã đăng ký làm học viên. Qua việc tìm hiểu học hát sli, em cũng muốn góp một phần nhỏ bé để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. 

Nhìn những cô bé, cậu bé người Nùng nhỏ nhắn đang ngân nga điệu sli theo các anh, các chị trong lớp học, chúng tôi cảm thấy niềm đam mê với các làn điều dân ca Xứ Lạng đang nhen nhóm trở lại sau một thời gian dài gần như bị quên lãng. Tuy nhiên, để nét văn hóa đặc sắc này tồn tại được bền vững, rất cần sự quan tâm hơn nữa không chỉ của các cấp, các ngành có liên quan mà đòi hỏi phải có sự gìn giữ, bảo tồn từ chính những người dân trong xã Hải Yến, có như vậy giai điệu “Nhi a...sloong hau...” mới không bị mai một theo thời gian.

Nguồn: Báo Lạng Sơn