Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Lạng Sơn với phát triển du lịch

           Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam, có rất nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng để phát triển du lịch. Do những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nên tiềm năng, thế mạnh chính của Lạng Sơn là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu. Đây là hướng quan trọng, là mũi nhọn để tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong lịch sử, Lạng Sơn có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi non hùng vỹ, có nhiều di tích nổi tiếng như Chùa Tiên, động Nhị - Tam Thanh, sông Kỳ Cùng, núi Tô Thị…Lạng Sơn còn là một trong những cái nôi của loài người với việc phát hiện những di tích cổ sinh, khảo cổ học thời tiền - sơ sử như hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng cách ngày nay hàng chục vạn năm, cho đến những di tích của nền văn hóa Bắc Sơn – Mai Pha nổi tiếng sau này. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, Lạng Sơn có một vị thế đặc biệt, trở thành phên dậu bảo vệ cho cả một dải quê hương đất nước, đã chứng kiến nhiều sự kiện và những chiến công hiển hách của dân tộc trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Có thể nói mỗi tấc đất, mỗi địa danh ở Xứ Lạng đều là những di tích, những thắng cảnh đẹp và nổi tiếng với nhiều huyền thoại.

            Với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn không chỉ có vai trò trong công cuộc đấu tranh giữ nước, mà ngày nay thành phố còn có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển của một tỉnh miền núi. Là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh tụ trên một địa bàn nhỏ bé như: Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao…nơi đây đã trở thành nơi gặp gỡ, và giao lưu của nhiều luồng văn hóa để trở thành một cộng đồng thống nhất. Cũng chính sự phong phú về thành phần tộc người đã dẫn đến sự đa dạng về hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng, bên cạnh những tín ngưỡng dân gian như thờ trời đất, tổ tiên, bản mệnh, các tôn giáo khác như: Đạo Khổng, Đạo Lão, Phật giáo…đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, tín ngưỡng của người dân Xứ Lạng. Điều này đã tạo ra sự xuất hiện của một loạt các di tích kiến trúc tôn giáo ở thành phố Lạng Sơn như: Đình, Đền, Chùa. Có thể nói so với các tỉnh miền núi phía bắc, loại hình di tích này ở thành phố Lạng Sơn có mật độ khá dày, điều này có thể do vị trí đặc biệt của Xứ Lạng. Sự tiếp nhận và giao lưu của hệ tư tưởng Nho – Phật – Lão vào Lạng Sơn đã trải qua một quá trình lâu dài, chủ yếu do các trí thức Nho học, các bậc quan tướng tài cao đức sáng nhậm vị biên ải góp phần phát triển các hệ tư tưởng, các tôn giáo, tín ngưỡng này vào đến Lạng Sơn và đã được địa phương hóa, hòa đồng với tín ngưỡng bản địa nên đã tạo một diện mạo khá độc đáo cho đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân Lạng Sơn. Ngoài nghĩa là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho nhân dân, những di tích này còn là những di sản văn hóa, những công trình nghệ thuật có giá trị được sáng tạo nên bởi sự thông minh, bàn tay khéo léo của nhân dân lao động. Đa số các di tích còn tồn tại cho tới ngày nay đều là những di tích, danh thắng nổi tiếng, những công trình có giá trị phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, học tập của đông đảo các tầng lớp nhân dân như xứ Lạng và trong cả nước: chùa Tiên, Chùa Tam giáo, chùa Thành, đền Tả Phủ, đền Kỳ Cùng…Những công trình đó đã góp phần làm cho Xứ Lạng đẹp nên thơ. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử - văn hóa còn được ca ngợi rất nhiều trong thơ văn của các tác giả nổi tiếng: Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du…Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thành phố Lạng Sơn đã xuất hiện nhiều di tích ghi dấu những chiến công và kỷ niệm về những người anh hùng như di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Văn Thụ…

Hầu hết các di tích đó hiện nay đều đã được đầu tư, nâng cấp chỉnh sửa để mở rộng quy mô, kích thước nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có và khai thác, mở cửa hàng ngày để phục vụ cho khách tham quan, cũng như phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương. Một số di tích thu hút được lượng khách tham quan khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần như Chùa Thành, đền Kỳ Cùng, động chùa Nhị Thanh, động chùa Tam Thanh. Điều tạo nên sự hấp dẫn và sức lôi cuốn các du khách đến đây không chỉ riêng bởi vẻ đẹp của cảnh quan kiến trúc mà phần nào còn do tính chất linh thiêng tại các di tích này. Song hiện nay việc quy hoạch tổng thể cho việc phát triển các trọng điểm về du lịch và sự gắn kết tuyến điểm du lịch giữa các di tích hầu như còn thiếu sự đồng bộ.

            Hiện nay theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn 11 huyện thị có gần 600 di tích, thuộc 04 loại hình khác nhau, trong đó có 15 điểm, khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Riêng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có tất cả 43 di tích thuộc 04 loại hình: 04 di tích lịch sử cách mạng, 05 di tích danh thắng, 04 di tích khảo cổ học, 25 di tích văn hoá - nghệ thuật - tôn giáo tín ngưỡng . Trong đó 21 di tích đã được xếp hạng,12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 9 di tích được đăng ký quản lý cấp tỉnh. Trong những năm vừa qua tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều kinh phí để tu bổ, tôn tạo và quy hoạch các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Lạng Sơn nhằm tạo một quần thể khép kín đa dạng, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân.

            Với xu thế phát triển của loại hình du lịch văn hóa trong bối cảnh phát triển của du lịch cả nước, hướng tới phát triển du lịch bền vững, việc phát triển du lịch văn hóa tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Lạng Sơn càng mang ý nghĩa lớn. Các giá trị văn hóa du lịch của hệ thống di tích này  đã và đang tiếp tục được khai thác tối ưu để nhằm mục đích phục vụ cho phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của du lịch văn hóa nói riêng và du lịch Lạng Sơn nói chung.

            Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nổi bật đó thì việc tận dụng và khai thác các tiềm năng du lịch của hệ thông các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là hệ thống các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch tại các di tích còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vẻ đẹp và quy mô của các di tích. Trong các động, chùa hệ thống ánh sáng cũng như thoát nước, chống ẩm chưa thực sự đảm bảo, nhiều khi vẫn chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết. Các dịch vụ như quầy lưu niệm, nhà trưng bày…còn thiếu và sản phẩm giới thiệu về các ngành nghề thủ công, sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương còn ít. Công tác tuyên truyền quảng bá về các di tích còn hạn chế, chưa được quan tâm thỏa đáng, nhiều di tích chưa có tờ rơi, tập gấp giới thiệu quảng bá. Một số di tích chỉ mở của khi khách có nhu cầu, các di tích khác nhiều khi chỉ mang tính chất phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân địa phương. Điều này đòi hỏi các cơ quan văn hóa và du lịch phải tiến hành đồng bộ các biện pháp tích cực tối ưu để có thể khai thác tốt nhất giá trị của hệ thống di tích trong chiến lược phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố.

            Bên cạnh đó nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Lạng Sơn vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Các di tích này hầu hết đều chịu sự quản lý của Ban quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn và Phòng văn hóa thông tin thành phố, chỉ có cụm di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh tổ chức hoạt động bán vé tham quan và có thuyết minh viên về di tích khi khách có nhu cầu, các di tích khác chỉ diễn ra hoạt động tham quan thông thường, không có nhân lực phục vụ du lịch ngoài các tổ bảo vệ thực hiện các chức năng trông coi di tích. Về mặt doanh thu du lịch từ các di tích mặc dù các di tích đã mở cửa đón khách từ khá lâu song chỉ có di tích Nhị - Tam Thanh là thực hiện việc bán vé phục vụ khách du lịch, còn các điểm khác mở cửa tự do để phục vụ nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân. Số tiền bán vé hiện nay ở hai di tích Nhị - Tam Thanh là 5.000 đồng/ khách. Trong những năm gần đây, hai di tích này luôn thu hút được số lượng khách tham quan khá đông, riêng trong năm 2009 đón 162.597 lượt khách, năm 2010 con số này tăng lên 165.241 lượt khách. Trong tương lai không xa, cùng với các chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa của thành phố và của tỉnh, chắc chắn các di tích này sẽ tạo nguồn doanh thu du lịch lớn hơn cho du lịch văn hóa nói riêng cũng như ngành du lịch nói chung của tỉnh Lạng Sơn.

            Một thực tế hiện nay là du lịch Lạng Sơn vẫn chưa có sự phát triển cân đối giữa du lịch văn hóa và du lịch mua sắm, nên ít nhiều ảnh hưởng chung tới hoạt động khai thác du lịch, theo thống kê sơ bộ thì khoảng 70 % du khách tới Lạng Sơn với mục đích du  lịch mua sắm chủ yếu, thời gian lưu trú tại Lạng Sơn thường là một ngày, còn lại 30 % là du lịch mua sắm kết hợp với các mục đích khác như tín ngưỡng, lễ hội và một phần rất ít với mục đích nghỉ dưỡng.

            Với thế mạnh của mình là liền kề thị trường hàng hóa của Trung Quốc, sự đa dạng về các mặt hàng và giá cả được xem là rẻ, nên từ trước đến nay hầu như du khách biết đến Lạng Sơn chủ yếu là một trung tâm mua sắm nhiều hơn là biết đến các loại hình của du lịch văn hóa nơi đây.

            Hạn chế tiếp theo của ngành du lịch Lạng Sơn hiện nay là vấn đề chậm quy hoạch, thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ và dứt điểm khiến cho Lạng Sơn hiện tại vẫn chưa có các khu du lịch tập trung, thiếu các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ du lịch vẫn còn thấp, các tour du lịch đến Lạng Sơn đều là những tour mang tính chất lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới. Thông thường, du khách đến Lạng Sơn là khách nội địa, đi theo hành trình Thành phố Lạng Sơn- đền Kỳ Cùng -  động Nhị, Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành nhà Mạc - chùa Tiên - chùa Thành… Sau đó tham quan mua sắm tại chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa, chợ cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng), chợ Đồng Đăng (Cao lộc) hoặc có tour đi mua sắm tại các chợ cửa khẩu trước sau đó mới trở lại tham quan các điểm du lịch và mua sắm tại thành phố. Tuy nhiên, qua thời gian những tour du lịch như trên đã trở nên quen thuộc và khó để thu hút du khách đến nhiều lần.

            Hệ thống sơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho ngành du lịch còn chưa phát triển đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện nay các khách sạn chủ yếu là với quy mô nhỏ, khách sạn 1 sao, 2 sao, các khách sạn tiêu chuẩn cao hơn thì lác đác gần đây mới đưa vào hoạt động (KS. Mường Thanh 4 sao), hoặc mới đang trong quá trình xây dựng. Các nhà hàng về cơ bản đã đáp ứng tốt trong việc phục vụ khách du lịch với các món ăn đặc sản, song về quy mô vẫn chủ yếu là phục vụ cho khách địa phương, chưa chú tâm đến  khách du lịch trong và ngoài nước.

            Nguồn nhân lực phục vụ du lịch Lạng Sơn còn nhiều hạn chế. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 16 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch lữ hành, với số lượng hướng dẫn viên gần 100 người, tuy nhiên số người thông thạo ngoại ngữ thì rất ít, chủ yếu là hướng dẫn viên tiếng Trung, còn các thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn, Nhật… thì ít hoặc thậm trí không có, gây khó khăn cho các du khách nước ngoài  trong việc tham quan du lịch mỗi khi đến với Lạng Sơn. Nhân viên phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng hầu hết chưa qua đào tạo chuyên ngành nên kiến thức và kỹ năng trong phục vụ khách còn hạn chế, nhiều khi vẫn gây ấn tượng chưa tốt với du khách. Tiếp đó là những doanh nghiệp, tiểu thương tại các trung tâm mua sắm lớn của thành phố nhiều khi vì những lợi nhuận trước mắt mà một số người đã có những hoạt động kinh doanh không trung thực, đánh lừa khách hàng trong hoạt động mua bán, làm mất lòng tin nơi du khách.

            Để tận dụng và khai thác tốt các tiềm năng du lịch, đặc biệt là trong hệ thống di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố Lạng Sơn thì các cấp ngành cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề trọng điểm sau:

            Một là về chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn cần được hoạch định dài hạn và cho từng giai đoạn, bảo đảm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, phát huy thế mạnh của Lạng Sơn, làm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Đông bắc của tổ quốc. Trong đó nhấn mạnh du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.Việc đẩy mạnh khai thác các hoạt động du lịch còn cần phải nắm bắt được xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tiềm năng du lịch của địa phương. Chú trọng, khuyến khích xã hội hoá phát triển du lịch.

            Hai là công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử cần được chú trọng hơn. Việc phát triển du lịch nói chung ở thành phố Lạng Sơn và du lịch văn hóa nói riêng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành phần tham gia nhưng quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân thành phố và các cấp, các ngành liên quan. Các bên phải có những kế hoạch, chương trình và các hoạt động cụ thể nhằm khai thác, sử dụng và bảo tồn các tiềm năng du lịch một cách bền vững và hiệu quả.Cụ thể những biện pháp đó là việc bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp các di tích; Khôi phục và phát triển các lễ hội ở các di tích theo hướng tích cực và phát huy giá trị của nó trong phát triển du lịch; Cần giáo dục phổ biến rộng rãi trong toàn cộng đồng ý thức thực hiện tốt luật di sản văn hóa; Nâng cao ý thức toàn dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích phục vụ phát triển du lịch thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông; Tăng cường thông tin về lý luận về việc quảng bá, bảo tồn di sản để nâng cao kiến thức, trách nhiệm và tình cảm đối với các di tích lịch sử - văn hóa trong toàn xã hội. Tiếp tục phát huy vai trò của quần chúng nhân  trong việc bảo vệ các di tích.

               Ba là vấn đề đào tạo nhân lực, đổi mới công tác tổ chức, quản lý, khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hoá cần được quan tâm đầu tư thỏa đáng.

            Bốn là tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng của tỉnh phục vụ du khách tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Có kế hoạch xây dựng chiến lược về sản phẩm, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đa dạng, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề.

 

Du lịch Lạng Sơn phát triển chắc chắn sẽ góp phần gìn giữ và làm tăng các giá trị cảnh quan di tích, các giá trị văn hoá của tỉnh trên trường quốc tế. Đặc biệt giá trị về nền văn hoá các dân tộc thiểu số Đông bắc, về quần thể di tích của Xứ Lạng là những di sản văn hoá được cần tiếp tục được giữ gìn, bảo tồn và phát huy thông qua việc khai thác hoạt động trị du lịch.

 

 

                                                     Ths. Nguyễn Thị Vân Anh

                                           (Trường Trung cấp VHNT Lạng Sơn)