Hát sli đang thiếu vắng những người kế cận

Posted Mon, 05/25/2015 - 16:14
By admin

          Hát sli là một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Sau 6 năm phục dựng và bảo tồn, loại hình văn hoá phi vật thể này đã thu hút khoảng 1.000 người ở độ tuổi trên 50 tham gia sinh hoạt khá đều đặn tại 6 câu lạc bộ (CLB). Tuy nhiên, những gương mặt tham gia hát sli tại các ngày lễ, ngày hội lại thiếu vắng những lớp người kế cận.

          Hát sli dân tộc Nùng đã có từ lâu. Khoảng 25 năm trở về trước, chúng ta thường gặp các tốp thanh niên nam - nữ hát đối đáp, giao duyên với nhau tại các lễ hội, chợ hội, ngày cưới và ngày vào nhà mới… Hát sli là thể hiện tài hoa đối đáp bằng ngôn ngữ dân ca. Từ lâu, người Nùng đã duy trì loại hình hát sli trong các sự kiện biểu diễn; hát sli để bày tỏ tình cảm. Sau các cuộc hát sli tại lễ hội, biết bao đôi thanh niên đã nên vợ, nên chồng…

          Bà Lâm Bích Liêm, phường Đông Kinh thành phố Lạng Sơn, người đã từng hát sli từ những năm 1986 - 1990 cho biết: Tuổi trẻ của tôi luôn cháy bỏng với loại hình dân ca của dân tộc Nùng, nếu ai đã từng đi tham dự hát sli chắc hẳn khó quên.

          Hát sli đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các sự kiện của xã hội cũng như cộng đồng dân cư. Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ nên loại hình hát sli có phần bị lãng quên. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII  “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc”, công tác bảo tồn, giữ gìn nét đẹp hát sli bắt đầu được quan tâm. Năm 2003, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tiến hành nghiên cứu bảo tồn hát sli Phàn Slình tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Đến năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ra đời và tiến hành giao nhiệm vụ cho các hội viên vận động những người hát sli lâu năm ở khắp các vùng quê vào các câu lạc bộ (CLB) hát sli; các CLB trực thuộc Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 6 CLB với gần 1.000 hội viên; trong đó, số hội viên ở độ tuổi 50 trở lên chiếm tới 95% và tập trung tại các CLB hát dân ca xã Tân Thành (Hữu Lũng), CLB hát dân ca (Cao Lộc); cùng một số CLB khác thuộc địa bàn các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn.

          Từ sau ngày thành lập, công tác bảo tồn duy trì hát sli tại một số lễ hội, chợ hội được các CLB tổ chức khá tốt. Trải qua nhiều năm tổ chức, các hội viên đều nhận thức được rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì bảo tồn loại hình dân ca này. Điểm đáng ghi nhận là xã Tân Thành (Hữu Lũng) đã tổ chức thành công 2 lần Hội Hát sli vào ngày 15 tháng Giêng các năm 2014 và năm 2015, thu hút hàng trăm “nghệ nhân” từ các xã lân cận trong huyện và các huyện bạn: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, thành phố  Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn); Sơn Động, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Tại ngày hội, chúng tôi chứng kiến nhiều ông bà ở độ tuổi ngoài 60, tóc đã bạc quá nửa đầu, da sạm đen mà vẫn đi bộ hơn 7 km để tham dự hội hát sli.

          Cùng với ngày Hội Hát sli Tân Thành (Hữu Lũng), vào các ngày 22 và 27 tháng Giêng, tại Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, có hàng nghìn người từ khắp các vùng quê về đây tụ hội và tham gia giao lưu hát sli. Tuy nhiên, hiếm thấy có những gương mặt thanh niên.

          Trăn trở về thế hệ kế nghiệp hát sli, ông Phương Văn Vá, một “Nghệ nhân hát sli”, đồng thời là Chủ nhiệm CLB hát dân ca xã Tân Thành cho biết: Hiện nay, lớp thanh niên không hứng thú với loại hình dân ca này. Điều mà ông quan tâm nhất là làm sao đưa hát sli vào thế hệ trẻ, để mỗi khi xã tổ chức các sự kiện đều được nghe các làn điệu dân ca mang hơi thở của dân tộc. Theo ông, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu phối hợp với Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng dành một phần kinh phí chi cho công tác biên soạn giáo trình và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ tại các cộng đồng dân cư và trường học; bởi đây là lớp người kế cận lưu giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc./.

                                                                                Nguồn: baolangson.vn