TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

         Hiện nay, bạo lực gia đình đang là vấn nạn của xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Các hành vi bạo lực gia đình được thể hiện như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục...

         Để phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả cần “ Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ”. Đây là nguyên tắc chủ đạo, xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín, với các thành viên gia đình cũng như những người xung quanh, việc trong gia đình thì người ngoài ít có cơ hội xen, bên cạnh đó Các quy định pháp luật khó vươn tới từng gia đình, bởi nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế, sự can thiệp thô bạo của pháp luật có thể dẫn tới phá hoại các mối quan hệ các thành viên gia đình. Chính vì vậy công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải trong vấn đề này là rất quan trọng, góp phần định hướng hành vi của mỗi người.

        Bên cạnh đó, để góp phần đấu tranh đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình, các nạn nhân bạo lực gia đình cần:  yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này. Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật. Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này, các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đồng thờiNạn nhân bạo lực gia đình cũng  có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

        Đối với người có hành vi bạo lực gia đình phải có nghĩa vụ: Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng, chấm dứt ngay hành vi bạo lực. Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

        Đối với các gia đình cần có trách nhiệm: Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện các biện pháp khác về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định Luật.

       Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019 với chủ đề: “ Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội ” mỗi chúng ta hãy tự nâng cao về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, hãy tự tìm hiểu và học những cách ứng xử gia đình để biết cách giải quyết những vướng mắc, các mối quan hệ trong gia đình một cách tốt đẹp nhất, hãy tự biết bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra, có như vậy chất lượng cuộc sống mới được nâng lên từ nền móng một gia đình yên ấm. Trách nhiệm của xã hội, các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội hãy tăng cường tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo hành gia đình, hãy lên án mạnh mẽ những hành vi bạo hành gia đình, hãy xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật và hãy biểu dương, tôn vinh những gia đình tiêu biểu thường xuyên. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “ Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ”, hãy chung tay ngăn chặn và đẩy lùi bạo hành gia đình để mỗi người được sống yên lành hơn và tôn trọng pháp luật hơn./. 

         KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN:

        - Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật!

        - Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập, phát triển toàn diện của trẻ em!

        - Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được tố giác và xử lý nghiêm minh theo pháp luật!

                                                                                                                             Thu Hương