TINH THẦN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 08/3

          Hàng năm cứ đến ngày Quốc tế phụ nữ 08/03, cùng với các nước trên thế giới, tại Việt Nam lễ kỷ niệm biểu dương tinh thần đoàn kết, đấu tranh của chị em phụ nữ lại được tổ chức trên toàn đất nước. Mỗi dịp kỷ niệm là một lần chúng ta nhắc đến lịch sử vẻ vang của phong trào Quốc tế phụ nữ.

         Cách đây hơn 100 năm, tại Mỹ, giai cấp tư bản ra sức áp bức bóc lột công nhân, làm cho đời sống nam nữ công nhân vô cùng cực khổ, thiếu nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Tình hình ấy làm cho công nhân Mỹ căm phẫn quyết tâm đoàn kết với nhau để đấu tranh đòi bọn chủ tư bản phải cải thiện đời sống cho mình. Trong đà đấu tranh đó, ngày 08/03/1899, nữ công nhân ngành Dệt và ngành May tại thành phố Chi - Ca - Gô và Niu - Yóoc đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bọn tư bản thẳng tay đàn áp, bắt giam, một số bị nghi là dẫn đầu và bị chúng đuổi ra khỏi nhà máy, song chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh của chị em được toàn thể công nhân và phụ nữ lao động Mỹ hưởng ứng nhiệt liệt, nên bọn chủ tư bản phải nhượng bộ.

         Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ có ảnh hưởng lớn đến phụ nữ lao động trên toàn thế giới, nhất là phụ nữ Đức, một nước công nghiệp tiên tiến, cho nên mâu thuẫn giữa giai cấp tư bản và giai cấp vô sản vô cùng sâu sắc. Trong phong trào đấu tranh giai cấp ấy, đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơlara Giét - Kin ( người Đức ) và bà Rôgia - Lucs Xăm Bua ( người Ba Lan ). Khi tham gia phong trào cách mạng thế giới, hai bà đã thấy cần phải lãnh đạo lực lượng phụ nữ lao động để đảm bảo những thắng lợi ngày càng to lớn góp phần vào thắng lợi của cách mạng vô sản.

         Năm 1940, lực lượng phụ nữ lao động đã mở rộng và củng cố thêm. Hội nghị phụ nữ Quốc tế Xã hội chủ nghĩa lần thứ 2 được triệu tập tại Côpenhaghen ( thủ đô của Đan Mạch ) để thống nhất mục đích đấu tranh và chương trình hoạt động của phụ nữ. Căn cứ lời đề nghị của bà Cơlara Giét - Kin, Hội nghị quyết định lấy ngày 08/03 là ngày “ Phụ nữ Quốc tế ” tức là ngày phụ nữ trên thế giới đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, vì ngày 08/03 đã chứng kiến tinh thần đoàn kết nhất trí và cuộc đấu tranh thắng lợi của nữ công nhân thành phố Chi - Ca - Gô. Hội nghị đề ra khẩu hiệu “ Ngày làm 8 giờ. Việc làm ngang nhau, trả lương ngang nhau. Bảo vệ người mẹ, bảo vệ trẻ em...”.

         Tại Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ( 1930 ) đã có chủ trương kỷ niệm ngày 08/03. Mặc dù lưới mật thám của thực dân Pháp tung khắp nơi, nhưng các nữ đồng chí thời ấy vẫn bí mật tổ chức những buổi họp mặt nhắc lại lịch sử ngày 08/03 để cùng nhau kiên định ý chí chiến đấu cho cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã xuất hiện nhiều nữ du kích anh hùng.

           Ngày nay cùng với các nước trên thế giới, phụ nữ Việt Nam noi gương truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đấu tranh, ra sức phấn đấu học tập để vươn lên giành những vị trí xứng đáng trên tất cả những lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đã có nhiều phụ nữ thành đạt trở thành những nhân vật nổi tiếng không chỉ trong nước và cả trên thế giới. Nhiều phụ nữ đã nắm giữ những vị trí, chức vụ cao trong Đảng và trong Quốc hội. Những Bộ trưởng, Thứ trưởng, những Giám đốc của các cơ quan, ban ngành, Chủ doanh nghiệp... là phụ nữ không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam chúng ta.

         Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 08/03 năm nay, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử ngày Quốc tế của chị em, mong rằng phụ nữ khắp năm châu, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, tiếp tục phát huy vai trò làm chủ sáng tạo của mình, làm giàu cho gia đình và đất nước để xã hội của chúng ta ngày càng được bình đẳng, tiến bộ, văn minh.

                                                                                                                               Thu Hương