Lễ Hội truyền thống của dân tộc Tày - Nùng ở xã Đại An, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

           Lễ hội truyền thống luôn mang trong mình những đặc trưng của tự nhiên và xã hội; thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đa dạng và phong phú; là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tộc người. Nó có vai trò, vị trí khá quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội cộng đồng đặc biệt là cộng đồng làng xã.

          Đại An là xã vùng 3 của huyện Văn Quan, cách thị trấn Văn Quan 9km gồm 3 dân tộc chính cùng sinh sống Nùng, Tày, Kinh trong đó dân tộc Nùng chiếm đa số sau đó đến Tày và dân số ít nhất là Kinh, Đại An là xã miền núi được bao bọc bởi các ngọn núi, điều kiện tự nhiên và thiên nhiên nơi đấy rất thuận lợi cho trồng các loại cây công nghiệp và hoa màu, chính điều kiện tự nhiên và thiên nhiên đã tạo cho nơi đây nhiều bản sắc văn hóa tộc người đặc sắc trong đó có Lễ hội truyền thống của dân tộc Tày - Nùng, lễ hội Lồng Tồng (Lùng Tùng), Lùng là xuống, Tùng là đồng hàng năm cứ vào tháng Chạp trai gái trong bản khẩn trương trang trí nhà cửa quét dọn sạch sẽ sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để cho gian nhà thêm mới mẻ và ấm cúng hơn để đón Tết (Pi mứa), năm mới, ngày Tết cũng là cơ hội cho cả người già trẻ em thanh niên nam nữ kéo nhau đi hội xem các lễ hội vui Xuân như tùng còn, đẩy gậy kéo co và những điệu hát sli, hát lượn...

          Hàng năm cứ vào dịp Tết đến Xuân về, nói đến Đại An thì người ta không thể không nhắc đến hội Lùng Tùng của dân tộc nơi đây rất đặc sắc và còn giữ được nét đẹp cổ truyền từ ngày xưa, lễ hội thường điễn ra trong một ngày, từ sáng đến chiều trên một ruộng trống ở trong bản, thường là chọn ruộng bằng phẳng, rộng ở đầu bản hoặc giữa bản có vị trí trung tâm thuận lợi cho việc đi lại vui chơi của dân bản và các bản lân cận để làm địa điểm tổ chức lễ hội lùng tùng, hội lùng tùng ở Đại An từ ngày xưa đến nay thường diễn ra vào ngày Mùng 3 Tết, trong Lễ hội các già làng trưởng bản sẽ tổ chức nghi lễ cúng thần và các trò chơi, trò diễn như: Kéo co, hát sli, tung còn, múa sư tử (Lòng phụ) của các thanh niên trai gái trong bản.

          Lễ hội lồng tồng (Lùng  Tùng) của dân tộc Tày - Nùng cũng như nhiều lễ hội của các dân tộc khác ở khu vực miền núi phía Bắc, Lễ hội lùng tùng gồm hai phần phần lễ và phần hội, phần nghi lễ chủ yếu cúng tế trời đất thần linh ban cho mưa thuận gió hòa con người khỏe mạnh, cây cuối tươi tốt mùa màng bội thu và phần hội có các trò chơi của dân làng như: tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo... theo nghi thức truyền thống người ta dựng một kệ tồng làm bằng tre hoặc gỗ ở giữa ruộng đây là nơi đặt các mâm có chữa đồ lễ để cúng thánh thần, thần nông thổ địa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu nhà nhà yên lành người người khỏe mạnh... Kết thúc phần lễ bước sang phần hội hoạt động đầu tiên đặc trưng nhất, đông vui nhất là hội tung còn đây là trò chơi nhưng cũng là một nghi thức không bao giờ thiếu trong lễ hội lùng tùng trên ngọn cây còn treo 3 vòng nhật nguyệt tượng trưng cho thiên, địa, nhân tức là trời đất và con người theo quan niệm của đồng bào còn phải được ném thủng và thủng trước giờ chính ngọ thì năm đó mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.

          Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày - Nùng ở xã Đại An, huyện Văn Quan là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện niềm khát vọng của người dân trong sự hòa hợp Âm Dương cầu cho cuộc sống khỏe mạnh no đủ vạn vật sinh sôi, những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục lâu đời của cư dân lúa nước. Lễ hội lùng tùng là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày - Nùng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa cùng nét đặc sắc của mình, lễ hội diễn ra luôn thu hút đông đảo sự tham quan của du khách bốn phương./.

 

                                                                                                                                                                                                                     Hoàng Quốc Văn