Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí tố hữu ( 04/10/1920 ) - ( 04/10/2020 )

          Đồng chí Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, Bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, muôn dân nô lệ lầm than dưới ách bóc lột của chế độ thực dân phong kiến; ngay từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã chứng kiến cảnh cực khổ của Nhân dân, những bất công, ngang trái của xã hội đương thời nên đã sớm hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc.

          Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4/1939, Đồng chí bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu là một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút thanh niên theo cách mạng, thôi thúc tuổi trẻ hành động, thể hiện nỗi niềm của hàng triệu người dân đất Việt tin tưởng vào độc lập tự do, tương lai tươi sáng.

          Tháng 3/1942, Đồng chí vượt ngục Đắk Lay về Huế, sau đó ra Hà Nội; cuối tháng 7/1942, đồng chí bí mật vào Thanh Hóa hoạt động, gây dựng lại cơ sở cách mạng;

          Từ năm 1943 - 1945, làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tham gia Ban lãnh đạo chiến khu Quang Trung; sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ.

          Tháng 8/1945, đồng chí Tố Hữu làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế. Trên cương vị này đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế - Trung tâm chính trị đầu não của Triều đình Nguyễn, dinh lũy cuối cùng của chế độ thực dân phong kiến, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

          Từ năm 1947 - 1950, Đồng chí được Trung ương điều động lên Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ và làm Trưởng tiểu ban văn nghệ Trung ương; tháng 9/1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Tuyên truyền do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách; đồng chí Tố Hữu được phân công làm Trưởng Ban.

          Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Tố Hữu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 39-SL; đồng chí Tố Hữu được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha thông tin thuộc Phủ Thủ tướng.

         Cuối năm 1954, Đồng chí được phân công làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật;

          Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

          Năm 1968, Đồng chí được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn và Trưởng ban Khoa học - Giáo dục Trung ương;

          Năm 1969, Đồng chí được phân công làm Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

          Từ năm 1980, được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước;

         Năm 1981, Đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII, được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng;

         Tháng 3/1982, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cho đến tháng 6/1986.

         Từ tháng 6/1986, Đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng;

         Tháng 10/1991, được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết, nghiên cứu một số vấn đề về tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học.

        Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao nhiều trọng trách quan trọng, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao truyền thống kiên trung, bất khuất, kiên cường của người cộng sản, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó với đồng chí, đồng bào, với cơ sở.

         Là người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng. Đồng chí là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng chí không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh.

        Tố Hữu - một nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Những bài thơ của Tố Hữu vừa giản dị, gần gũi, vừa tinh tế, sâu sắc, chứa chan lòng yêu nước, thương dân và một lý tưởng cách mạng sáng ngời, một âm hưởng hừng hực, một khí phách hiên ngang của những con người Việt Nam đứng lên đánh giặc, giải phóng quê hương, đất nước. Nhân dân, quần chúng lao động gọi Tố Hữu là nhà thơ của mình, thuộc lòng thơ Tố Hữu, coi đó là phương châm suy nghĩ và hành động.

         Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Tố Hữu, là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế./.

                                                                                                   Thu Hương ( Biên tập )