Tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy để bảo vệ môi trường

          Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa, rác thải khó phân hủy túi ni lông đang là mối quan tâm lớn của toàn nhân loại. Ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni lông, trong khi đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 đến 6 túi ni lông trên ngày, đây là một con số rất lớn.

          Túi polyetylen (PE) hay còn gọi là túi ni lông được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 50 của Thế kỷ trước do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. và đến nay chưa xác định chính xác được thời gian nó phân hủy. Theo các nhà môi trường, các nhà khoa học cho rằng quá trình túi ni lông phân hủy có thể mất từ 500 đến 1000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Dù đã phân huỷ, nhưng khi lẫn vào đất thì chất nhựa PE sẽ làm đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lông, được sử dụng phổ biến ở mọi nơi, từ các chợ bán rau ở nông thôn, đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Việc sử dụng tràn lan, bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người...

          Nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khoẻ con người, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp để giải quyết vấn đề này như: Ban hành lệnh cấm sản xuất túi ni lông khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với sản xuất túi ni lông đã được áp dụng tại Đài Loan, Trung Quốc, Anh và một số bang ở Mỹ, Thụy Sĩ, Nam Phi, Đan Mạch. Ngoài ra các nước này cũng yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi ni lông khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường. Các quốc gia ở châu Phi như: Uganda, Kenya, Tanzania... cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với túi nhựa nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường...

          Ở Việt Nam, Luật Môi trường Việt Nam đã có mục quy định về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thể ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Để khắc phục tình trạng trên Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

          Những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã quan tâm tới vấn đề chất thải túi ni lông với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng như các chiến dịch truyền thông “nói không với túi ni lông”, “ngày không túi ni lông” và đặc biệt ngày 16/09/2011 tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra cuộc Hội thảo “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy”.

          Để bảo vệ môi trường khỏi tình trạng ngày càng ô nhiễm và ô nhiễm chất nhựa, túi ni lông chúng ta cần làm theo những giải pháp sau:

         Đối với người dân nên hãy sử dụng các loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự huỷ, phân hủy sinh học và sử dụng mô hình 3R quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R “Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế” nhằm giảm sử dụng túi ni lông mà còn tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni lông. 

          Đối với các nhà phân phối, nhà bán lẻ cần phải cam kết thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường như: Cung cấp cho khách hàng các phương thức đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông, tuyên truyền nâng cao ý thức nhân viên và khách hàng về việc giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế túi ni lông (loại dùng một lần), tập huấn nhân viên trực quầy các giải pháp giảm phát túi ni lông, tổ chức thu hồi túi ni lông để tái chế.

Toàn dân tích cực hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm túi thân thiện với môi trường đã góp phần làm cho môi trường giảm đi được rất nhiều ô nhiễm. Hãy bảo vệ môi trường bằng chính hành động: NÓI KHÔNG VỚI TÚI NI LÔNG.