TUYÊN TRUYỀN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG, KHỐNG CHẾ BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

          Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên mọi loại lợn( lợn nuôi, lợn cảnh và lợn rừng). Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, không gây bệnh cho các loài động vật khác. 

          Việt Nam có chung đường biên giới với nhiều nước, có nhiều cửa khẩu qua lại hai bên biên giới để buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa ở nước ta hiện nay phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư. Nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, nhiều hộ chăn nuôi lợn còn vì lợi ích kinh tế trước mắt đã không khai báo khi có dịch bệnh mà gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát.

         Theo báo cáo tổng hợp của Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 02/7/2019 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 222/226 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 148.153 con, hiện nay diễn biến bệnh dịch đang tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, bùng phát mạnh và nguy cơ rất cao xâm nhiễm vào các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn tập trung dẫn đến buộc phải tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh trong thời gian tới.

         Để triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp phòng, chống, khống chế dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cá nhân và tập thể cùng thực hiện các biện pháp sau:

          Một là: Các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm có các biểu hiện nghi mắc bệnh phải báo ngay cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương.

         Hai là: Tại hộ có lợn mắc bệnh cần thực hiện đúng các hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan thú y để khoanh vùng, xử lý triệt để dịch bệnh.

           Ba là: Thực hiện nghiêm túc ” 5 KHÔNG ” theo đúng quy định của Luật thú y:

         - Không giấu dịch.

         - Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết.

         - Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết.

         - Không vứt lợn chết ra môi trường.

         - Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

        Mọi Người, mọi nhà, mọi tổ chức xã hội cần khẩn trương, kiên quyết, thực hiện đồng bộ các biện pháp, quyết tâm khống chế dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian nhanh nhất để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân./.

                                                                                                                            Thu Hương