GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 10/3 ( ÂM LỊCH ) NGÀY QUỐC LỄ TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

“ Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm ”

          Giỗ Tổ Hùng Vương, đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc; trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, tín ngưỡng và đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ. Từ ngàn đời nay, đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên, tưởng nhớ về tổ tiên. Bên cạnh đó giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tôn vinh giá trị văn hoá dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước cũng như củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

         Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dẫu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: đền Hùng. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được cử hành vào ngày mồng mười tháng ba Âm lịch hàng năm. Bởi lẽ tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương, phép nước thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được phồn vinh, phát triển.

          Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (VNDCCH) ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo: “uống nước nhớ nguồn” nên giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946 - sau khi Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước đã thay mặt Chính phủ VNDCCH lên làm lễ dâng hương tại đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai báu vật nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước hiểm hoạ xâm lăng đang đe doạ trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân quanh vùng đền Hùng đảm nhiệm.

         Kháng chiến thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 19/9/1954, tại đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn cũng như lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân năm 1975. Vượt quan bao gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang sơn thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác, tổ tiên, chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc của sức mạnh Việt Nam.

          Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng ta đã không ngừng phát huy truyền thống của tổ tiên, kế thừa những giá trị tinh thần tốt đẹp của thời đại Vua Hùng và các thời đại oanh liệt trong lịch sử, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng trường kỳ và oanh liệt trong lịch sử, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử và truyền thống Việt Nam anh hùng.

         Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc tổ chức tốt các lễ hội, nhất là lễ hội dân gian, truyền thống như Giỗ Tổ Hùng Vương là góp phần quan trọng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước toàn diện và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

                                                                                                                         Thu Hương