Thực trạng hoạt động Nhà văn hóa- Khu thể thao thôn bản, khối phố trên địa bàn tỉnh

Trong những năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay tỷ lệ thôn, khối phố có nhà văn hóa, sân tập thể thao theo thống kê đạt tỷ lệ 85,4% tương đối cao so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các thiết chế Nhà văn hóa - Khu thể thao được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã được các địa phương quan tâm, từng bước khai thác, phát huy phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước và đáp ứng một phần làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của nhân dân.

          Thông qua các hoạt động tại hệ thống thiết chế Nhà văn hóa - khu thể thao cấp xã, cấp thôn đã góp phần nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phát triển; đóng góp thiết thực cho các phong trào xây dựng gia đình, thôn bản, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.

          Trong những năm qua, thực hiện các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, trong đó có chỉ tiêu về xây dựng Nhà Văn hóa cấp xã và Nhà Văn hóa thôn, khối phố đề ra trong các chương trình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 24/2003/QĐ-UB, ngày 23/10/2003 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn từ 2003 - 2005; Quyết định số 25/2003/QĐ-UB, ngày 23/10/2003 về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa từ 2003-2010; Quyết định số 10/2009/UBND, ngày 20/8/2009 về ban hành Chính sách hỗ trợ xây dựng NVH thôn, khối phố và sân tập thể dục thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nay đến năm 2015; Quyết định 1841/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 về việc nâng mức hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa thôn, sân tập thể thao xã của 35 xã trong kế hoạch xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015… Qua đó hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh từng bước được quan tâm, đầu tư xây dựng và hoàn thiện.

          Tính đến hết năm 2015 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 56/226 Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (đạt 24,8%); 174 sân tập thể thao xã và 1.976/2.314 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, khối phố (đạt 85,4%) đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

          Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp một phần quan trọng làm nơi sinh hoạt chính trị cộng đồng của xã, thôn; nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; Chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể lực cho nhân dân tại địa phương.

          * Về số lượng, quy mô diện tích

          Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến tháng 8/2015 trên địa bàn toàn tỉnh có 1.976/2314 thôn, khối phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 85,4%.

          - Về diện tích đất quy hoạch: Nhìn chung các địa phương đã quan tâm ưu tiên dành quỹ đất quy hoạch cho việc xây dựng thiết chế Nhà Văn hóa và các công trình thể thao trên địa bàn thôn, khối phố. Tuy nhiên tại một số địa phương, cơ sở do quỹ đất dành cho xây dựng các công trình công cộng rất eo hẹp, nên việc bố trí quy hoạch đất cho xây dựng Nhà Văn hóa – khu thể thao cơ bản chưa đảm bảo diện tích đúng theo các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

          - Về diện tích sử dụng: Theo số liệu thống kê, hiện nay số Nhà văn hóa thôn, khối phố có diện tích sử dụng dưới 60m2 là 360/1.976 nhà (chiếm 18,2%); số Nhà văn hóa có diện tích từ 61 - 100m2 là 440/1.974 nhà (chiếm 22,2%); Số nhà văn hóa có diện tích từ 100 - 200m2 là 588/1.976 nhà (= 29,8%), còn lại 589 NVH có diện tích từ 200-300m2 trở lên (29,9%). Đối chiếu theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 06/2011 ngày 08/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì số Nhà văn hóa đảm bảo tiêu chí về quy mô diện tích đất sử dụng chỉ đạt khoảng 59,6%; Số NVH có hội trường đảm bảo đủ 80 chỗ ngồi trở lên tương ứng với diện tích tối thiểu khoảng 60m2 trở lên đạt 62%. Còn lại chưa đảm bảo theo tiêu chí quy định.

          * Về trang thiết bị hoạt động:

          Thực hiện Quyết định số 10/2009/UBND, ngày 20/8/2009 của UBND tỉnh về ban hành Chính sách hỗ trợ xây dựng NVH thôn, khối phố và sân tập thể dục thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015 thì mỗi Nhà văn hóa thôn xây dựng mới được ngân sách tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà (phần xây dựng) và 5 triệu đồng/nhà để mua sắm trang thiết bị hoạt động. Ngoài ra thực hiện Quyết định 1841/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 của UBND tỉnh về việc nâng mức hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa thôn, sân tập thể thao xã của 35 xã trong kế hoạch xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015 thì mỗi Nhà Văn hóa thôn khi được đầu tư xây dựng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà và 10 triệu đồng/nhà để mua sắm các trang thiết bị hoạt động. Bên cạnh đó từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn XHH khác, hàng năm Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn tiếp tục thực hiện mua sắm, cấp phát các trang thiết bị hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; trong đó có Nhà Văn hóa - Khu thể thao các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh.

          Đến nay theo số liệu tổng hợp, số Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố của tỉnh được trang bị bàn ghế phục vụ sinh hoạt khá cơ bản đạt 70,7%; Số nhà văn hóa có bộ trang âm đạt 67,6%; có bộ trang trí khánh tiết đạt 45,4%; có các nhạc cụ truyền thống và dụng cụ tập luyện thể thao chỉ đạt 3,7%.

          * Về công tác quản lý và kinh phí hoạt động

          - Về công tác quản lý: Nhìn chung các Nhà văn hóa thôn, khối phố chủ yếu do Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn, Trưởng khối phố trực tiếp quản lý. Một số ít nhà văn hóa thì giao cho cán bộ phụ trách hoạt động đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên quản lý, Ban công tác Mặt trận.

          + Về trình độ chuyên môn: Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý hoặc các chủ nhiệm Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, thể thao. Các thành viên được bầu chọn làm chủ nhiệm hoặc tham gia Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa chủ yếu là những người nhiệt tình, có một chút năng khiếu về văn hóa, thể thao. Do vậy thiếu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để quản lý và tổ chức các hoạt động Nhà văn hóa – khu thể thao đạt hiệu quả.

          + Về chế độ bồi dưỡng, thù lao cho người trực tiếp quản lý: Cơ bản không có.

          - Về kinh phí hoạt động thường xuyên: Trong những năm qua, ngân sách tỉnh, huyện, xã không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố. Các Nhà văn hóa hoạt động chủ yếu theo phương châm tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân địa phương và các hội viên tham gia Câu lạc bộ văn hóa, thể thao đóng góp.

          * Tình hình hoạt động thường xuyên

          - Về hoạt động tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị: Hầu hết các địa phương sử dụng hội trường Nhà văn hóa -khu thể thao thôn, khối phố làm nơi hội họp, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Số buổi hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm chính trị của các Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn, khối phố trong những năm gần đây ước đạt trên 17.618 cuộc/năm, với số người nghe và xem ước gần 1,1 triệu người.

          - Về hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng: Hiện nay trên tổng số 1.916 Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh có khoảng 441 các câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng với tổng số hội viên khoảng trên 8.500 người (phổ biến nhất là các CLB đàn và hát dân ca, CLB Hát then, đàn tính)  và gần 200 Câu lạc bộ thể thao được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên tại các Nhà Văn hóa - Khu thể thao. Số buổi hoạt động văn hóa quần chúng trung bình đạt 5.436 buổi/năm; Số buổi hoạt động thể thao đạt khoảng 19.814 buổi/năm. Bên cạnh đó còn có nhiều CLB, Đội văn nghệ quần chúng tuy không thực hiện duy trì sinh hoạt thường xuyên, nhưng khi được triệu tập thì vẫn sẵn sàng nhiệt tình tham gia tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao nhân dịp lễ hội xuân đầu năm, nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 23/11 hoặc kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của đất nước, của tỉnh và địa phương. Qua đó đã góp phần làm cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng tại các địa phương ngày càng phát triển sôi nổi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống văn hóa, sức khỏe và tinh thần cho nhân dân. 

          - Về tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trẻ em: Nhìn chung còn ít, trung bình mỗi năm chỉ tổ chức được khoảng 1-3 cuộc/năm vào các dịp Tết thiếu nhi, Rằm trung thu, tổng kết năm học, sinh hoạt hè... Trong mấy năm gần đây, tại các Nhà Văn hóa – Khu thể thao ở khu vực thị trấn các huyện và thành phố Lạng Sơn bước đầu đã duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu thiếu nhi là con em đang sinh sống trên địa bàn khối phố. Còn các Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như ít quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em.

          Nhìn chung so với hoạt động của Nhà Văn hóa cấp xã, các Nhà Văn hóa – khu thể thao thôn, khối phố được sử dụng thường xuyên hơn. Nhưng chủ yếu vẫn chỉ là nơi để tổ chức hội họp, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trên địa bàn thôn, khối phố. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và duy trì sinh hoạt các Câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng tại các Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, khối phố trong mấy năm gần đây có phát triển hơn (nhất là các Nhà văn hóa thuộc địa bàn thị trấn, thị tứ các huyện và thành phố Lạng Sơn). Tuy nhiên so với Thông tư quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của Nhà Văn hóa - khu thể thao thôn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thì các Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa phát huy hết các chức năng, nhiệm vụ được giao.

          Từ thực trạng trên kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động của cả hệ thống thiết chế như sau:

          1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - thể thao để các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể nhân dân và mỗi người dân có nhận thức đúng, đầy đủ về chủ trương xã hội hóa. Khuyến khích các tổ chức, tập thể, cá nhân và nhân dân tại địa phương tham gia đóng góp, tài trợ kinh phí để tổ chức hoạt động Nhà văn hóa – khu thể thao thôn, khối phố phát huy công năng và hiệu quả cao nhất.

          3. Các cấp, các ngành liên quan thường xuyên quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho những người trực tiếp tham gia quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao tại cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.

          4. Đẩy mạnh, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động giao lưu, liên hoan, Hội thi, Hội diễn, các giải thi đấu thể dục thể thao quần chúng các cấp nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

          5. Thực hiện định kỳ công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả. Công tác sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

          6. Có các chính sách hỗ trợ hoạt động Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, khối phố trên địa bàn toàn tỉnh./.

                                                                                                                Hoàng Hanh