Tuyên truyền việc sáp nhập huyện Cao Lộc vào Thành phố Lạng Sơn

ĐỀ CƯƠNG

 TUYÊN TRUYỀN VIỆC SÁP NHẬP HUYỆN CAO LỘC

VÀO THÀNH PHỐ LẠNG SƠN

(Kèm theo Công văn số 1571-CV/BTGTU, ngày 31/7/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn)

 

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI SÁP NHẬP HUYỆN CAO LỘC VÀO THÀNH PHỐ LẠNG SƠN

1. Phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong các nghị quyết của Đảng

Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước của Đảng ta hiện nay.

Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xác định mục tiêu tổng quát: “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: "Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh... Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương... Sáp nhập hợp lý một số đơn vị hành chính cấp xã, huyện phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới”.

Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Xây dựng các thành phố Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn trở thành các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Chú trọng phát triển đô thị gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh tại nơi có các khu kinh tế cửa khẩu”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII xác định: “Nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn; tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cho phù hợp”.

Bên cạnh đó, đô thị hoá hiện nay là tất yếu khách quan, là một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Do vậy, việc đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới là một trong những mục tiêu chính được Bộ Chính trị đề ra trong định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và được nêu rõ trong Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị “về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trên cơ sở đó, ngày 06/7/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 81-NQ/TU về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn, trong đó xác định mục tiêu: “Mở rộng địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, để mở rộng không gian, tăng cường thu hút đầu tư và phát huy mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với tầm nhìn dài hạn, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng thành phố Lạng Sơn với mục tiêu trở thành thành phố hạt nhân tại khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; là hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn”. 

2. Phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc

Thành phố Lạng Sơn hiện nay là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lạng Sơn, là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, là cầu nối khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN nên có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân, động lực phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, thành phố Lạng Sơn có diện tích tự nhiên quá nhỏ hẹp với tổng diện tích 77,94 km2, đạt 51,96% so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (quy mô diện tích tự nhiên xếp thứ 12/14 thành phố miền núi, trung du phía Bắc; xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc); dân số thành phố Lạng Sơn có 105.133 người, đạt 70,09% tiêu chuẩn; có 08 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm  05 phường và 03 xã, đạt 80% tiêu chuẩn[1]. Với thực trạng diện tích của thành phố Lạng Sơn hiện nay không đủ điều kiện để quy hoạch mở rộng phát triển đô thị với tầm nhìn lâu dài, xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đa dạng bản sắc văn hóa, đáp ứng yêu cầu về thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...

Huyện Cao Lộc là đơn vị hành chính nông thôn thuộc tỉnh Lạng Sơn, có địa giới hành chính tiếp giáp và gần như bao quanh toàn bộ thành phố Lạng Sơn. Huyện Cao Lộc có tổng diện tích tự nhiên 619,09 km2, đạt 72,83% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính huyện miền núi theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[2]; có 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó có 20 xã và 02 thị trấn; tổng dân số 80.780 người. Trên địa bàn huyện có trên 70 km đường biên giới Quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc với 02 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 02 cửa khẩu phụ (cửa khẩu Pò Nhùng và Co Sâu) và nhiều cặp chợ biên giới, là điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistics; tiềm năng thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm kinh tế vùng trọng điểm, cửa ngõ giao thương kinh tế của cả nước với Trung Quốc và các nước trong khu vực, góp phần tạo động lực phát triển liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và cả nước.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng diện tích của thành phố Lạng Sơn không đủ điều kiện để mở rộng không gian đô thị, đáp ứng yêu cầu về thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Mặt khác huyện Cao Lộc là đơn vị hành chính nông thôn, là huyện có địa giới hành chính tiếp giáp và gần như bao quanh toàn bộ thành phố Lạng Sơn, nên sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển cho cả vùng đất, con người sinh sống trên địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn... Chính vì vậy việc sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn để mở rộng địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn là nhiệm vụ hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Lạng Sơn trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW và các nghị quyết của Đảng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

3. Việc sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn sẽ mang lại nhiều hiệu quả, ý nghĩa và giá trị thực tiễn

Việc sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn và sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc thành phố Lạng Sơn sau khi mở rộng sẽ đem lại những hiệu quả, ý nghĩa và giá trị thực tiễn như sau:

Một là, mở rộng không gian quỹ đất để phát triển, đáp ứng yêu cầu quy hoạch với mục tiêu xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị hạt nhân của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; tạo động lực cho việc đầu tư, phát triển đô thị cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các đơn vị hành chính nông thôn, tiến tới định hướng nâng cấp thành đô thị, với mục tiêu lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng, theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.

Hai là, là cơ sở pháp lý để đầu tư hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đến đầu tư tại Lạng Sơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, giúp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.

Ba là, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và cả vùng Đông Bắc, thành phố Lạng Sơn mở rộng sẽ phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế sẵn có, đặc biệt là phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, thương mại và dịch vụ, vốn dĩ là những tiềm năng sẵn có của huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn, nhưng chưa được khai thác phát huy tối đa, qua đó góp phần tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, sau khi sắp xếp, sáp nhập, với sự ưu tiên tập trung đầu tư của tỉnh, cùng với việc thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các phường, xã thuộc thành phố Lạng Sơn sẽ sớm được đầu tư, nâng cấp đáp ứng các tiêu chí đơn vị hành chính đô thị, qua đó người dân sẽ có cơ hội được thụ hưởng những thành quả, giá trị của quá trình đô thị hóa một cách thiết thực và tốt nhất[3], đặc biệt là người dân thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã vùng cao biên giới.

Năm là, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, qua đó sẽ giảm chi ngân sách hằng năm, tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời sẽ tạo điều kiện để cơ cấu lại và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm, lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sáu là, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên cơ sở tương đồng về văn hóa, truyền thống lịch sử, phong tục tập quán sẽ tạo nên sự gắn kết cộng đồng cao trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bẩy là, sau sắp xếp, sáp nhập, các đơn vị hành chính sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống giáo dục, y tế được sắp xếp, kiện toàn, chất lượng phục vụ Nhân dân được tốt hơn,... qua đó sẽ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

II. QUY TRÌNH THỰC HIỆN SÁP NHẬP HUYỆN CAO LỘC VÀO THÀNH PHỐ LẠNG SƠN

Căn cứ các quy định tại Điều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Điều 57, Luật Quy hoạch năm 2017; các quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương,... quy trình để thực hiện sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn gồm những bước như sau:

Bước 1: Lập Quy hoạch đô thị thành phố Lạng Sơn mở rộng (quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn mở rộng) với quy mô diện tích tự nhiên và không gian quy hoạch bao gồm huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn hiện hữu.

Bước 2: Căn cứ Quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn mở rộng đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị đối với thành phố Lạng Sơn mở rộng, trong đó gồm các nội dung:

- Xác định danh mục lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị, bao gồm các khu vực phát triển đô thị mới, khu đô thị mới, mở rộng, cải tạo, bảo tồn, tái thiết hoặc đô thị có chức năng chuyên biệt cho từng giai đoạn 5 năm và ưu tiên giai đoạn đầu (5 năm và hàng năm) phù hợp các giai đoạn của quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.

- Cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm phù hợp quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn mở rộng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt.

- Xây dựng danh mục dự án hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ưu tiên đầu tư nhằm kết nối các khu vực phát triển đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị thành phố Lạng Sơn mở rộng.

- Xác định kế hoạch vốn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối ưu tiên phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương.

- Xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn mở rộng.

Bước 3: Xây dựng Đề án rà soát, đánh giá, phân loại đô thị thành phố Lạng Sơn.

Trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn mở rộng, tiến hành xây dựng Đề án rà soát, đánh giá, phân loại đô thị thành phố Lạng Sơn, đánh giá các tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Lạng Sơn.

Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định hồ sơ Đề án rà soát, đánh giá phân loại đô thị đối với thành phố Lạng Sơn mở rộng; đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Lạng Sơn để làm cơ sở, căn cứ pháp lý hoàn thiện hồ sơ Đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn.

Bước 4: Xây dựng đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quy trình gồm các nội dung chính sau:

- Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu và xây dựng đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và thành lập một số phường thuộc thành phố Lạng Sơn.

- Tổ chức lấy ý kiến cử tri thuộc thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc đối với đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Căn cứ kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri về đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn, gửi kết quả về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện;  Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc tổng hợp hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua nghị quyết tán thành chủ trương điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn, đồng thời gửi kết quả về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nghị quyết tán thành chủ trương điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn.

- Sau khi đã được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua, Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn, trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bước 5: Tổ chức thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Lạng Sơn.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính sau:

- Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức của Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và các quy định, hướng dẫn của cơ quan, cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước.

- Sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bị ảnh hưởng tác động do sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

- Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cấp huyện, cấp xã phải nghỉ việc do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

- Phối hợp với các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương tiến hành rà soát, có phương án sáp nhập tổ chức tương ứng ở huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn bảo đảm đồng bộ, kịp thời và ổn định hoạt động sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bố trí, sử dụng, chuyển mục đích đối với hệ thống hạ tầng cơ sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức phải giải thể do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

- Tổ chức cấp đổi, chỉnh lý giấy tờ, hồ sơ liên quan đến các tổ chức, cá nhân do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (sổ hộ khẩu, căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kinh doanh, thẻ bảo hiểm, giấy tờ xác lập quyền sở hữu tài sản...).

- Tổ chức xác định phân loại đơn vị hành chính, xác định khu vực I, khu vực II, khu vực III đối với các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quy định lại mức phụ cấp khu vực đối với các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp.

III. CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC SÁP NHẬP

1. Các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn

Việc sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn sẽ dẫn đến phải sắp xếp các cơ quan, tổ chức của Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và một số đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức tại cấp huyện của huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

Đồng thời việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ dẫn đến phải sắp xếp lại các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền cấp xã, trạm y tế cấp xã, công an xã để phù hợp với cơ cấu, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã mới được hình thành theo quy định pháp luật.

Các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại, có tên gọi mới sẽ phải thay đổi lại con dấu, số tài khoản, biển hiệu cơ quan và các giấy tờ khác liên quan đến tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức.

Thành phố Lạng Sơn sau khi mở rộng với quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn, có trên 20 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc sẽ làm gia tăng khối lượng công việc của các cơ quan thuộc thành phố, do đó thời gian đầu sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành công việc. Đội ngũ cán bộ, công chức được sắp xếp, bố trí công việc mới trong giai đoạn đầu sẽ gặp lúng túng trong công tác do thay đổi vị trí việc làm, địa bàn quản lý hoặc do thay đổi mô hình quản lý từ đơn vị hành chính nông thôn sang đơn vị hành chính đô thị.

2. Các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn

Việc thực hiện sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn sẽ tác động ảnh hưởng đến các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn (gồm Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự, Quân sự, Công an, Thuế, Quản lý thị trường, Kho bạc nhà nước, Thống kê, Bảo hiểm xã hội...) cần phải sắp xếp, tổ chức lại theo đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành tương ứng.

3. Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh

Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện Cao Lộc và tại các khu vực thành lập phường thuộc thành phố Lạng Sơn sẽ chịu tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính, phải thay đổi giấy phép kinh doanh, biển hiệu kinh doanh, số tài khoản giao dịch, các giấy tờ liên quan đến xác lập sở hữu tài sản, các hợp đồng giao dịch, mua bán, thuê mặt bằng ...

4. Hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn

Hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại 22 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Cao Lộc và các xã thành lập phường thuộc thành phố Lạng Sơn bị tác động, ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ phải thay đổi thông tin tại các giấy tờ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân như: sổ hộ khẩu, căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẻ bảo hiểm y tế, hồ sơ đi học của học sinh, sinh viên... Đồng thời chịu sự tác động liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân như: hạn mức được cấp đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất, các khoản thuế, lệ phí phải nộp liên quan đến nghĩa vụ của công dân với nhà nước.

5. Cán bộ, công chức, viên chức

Sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tác động, ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện thuộc huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách tại các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Dẫn đến việc phải bố trí, sắp xếp công việc, vị trí việc làm mới cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị mới, đồng thời phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ trước tuổi hoặc phải nghỉ thôi việc do không bố trí được công việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Các ban, sở, ngành

Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ làm phát sinh nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các ban, sở, ngành tỉnh, cụ thể: cấp đổi sổ hộ khẩu, căn cước công dân; thay đổi mã số thuế của các đơn vị, tổ chức tại đơn vị hành chính mới; xác định mức phụ cấp khu vực, phân loại đơn vị hành chính tại các xã, phường mới hình thành; cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý hồ sơ địa chính; công tác tổ chức, cán bộ; chứng thực; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế; cấp lại giấy đăng ký kinh doanh; điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; sắp xếp lại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp với đơn vị hành chính mới...

IV. PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC SÁP NHẬP

1. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy

Xây dựng phương án hợp nhất tổ chức Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sáp nhập theo đúng các quy định, văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

2. Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức

Tiến hành rà soát, phân loại các nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đồng thời rà soát tổng thể biên chế, vị trí việc làm tại các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để xây dựng phương án bố trí, sắp xếp công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính theo các nhóm sau:

- Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định đối với những người đủ điều kiện.

- Thực hiện điều chuyển sang các vị trí phù hợp ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh còn thiếu (hoặc thay thế các vị trí phù hợp ở đơn vị có người nghỉ hưu, nghỉ chế độ theo quy định).

- Giải quyết chế độ theo chính sách hiện có của trung ương và của tỉnh đối với các trường hợp có nguyện vọng và đủ điều kiện[4].

- Đối với những trường hợp vượt quá chỉ tiêu biên chế theo quy định,  xây dựng phương án, lộ trình giải quyết dứt điểm trong khoảng thời gian nhất định (khoảng 5 năm sau khi sắp xếp), gồm:

+ Thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện hoặc sắp xếp bố trí vị trí công tác khác phù hợp (thay thế vị trí người nghỉ hưu, nghỉ chế độ hoặc các vị trí còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh).

+ Giải quyết nghỉ theo các chính sách của trung ương, của tỉnh đối với các trường hợp tự nguyện và đủ điều kiện.

- Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư không bố trí được việc làm mới: vận động thực hiện nghỉ việc và được hưởng chính sách theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh[5].

3. Phương án đối với tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh

Các sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan cấp trên trực tiếp xây dựng phương án hỗ trợ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện các thủ tục chuyển đổi giấy tờ, thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi nhất, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

4. Phương án đối với các cơ quan trung ương tổ chức trên địa bàn

Các cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn chủ động xây dựng phương án sáp nhập tổ chức tương ứng tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc; có phương án tổng thể sắp xếp cán bộ, công chức trong cân đối chung toàn ngành; báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tiến hành ngay việc sắp xếp nội bộ ngành.

5. Phương án đối với hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn

Chủ động rà soát, tổng hợp số lượng các loại giấy tờ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện chuyển đổi để xây dựng phương án cấp đổi hoặc điều chỉnh, cập nhật thông tin bảo đảm thuận lợi cho người dân; kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để hỗ trợ thực hiện các thủ cấp đổi, điều chỉnh, cập nhật thông tin giấy tờ cho hộ gia đình, cá nhân, hạn chế tối đa phát sinh kinh phí thực hiện các thủ tục hành chính đối với người dân do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Nghiên cứu các quy định liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân bị thay đổi sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính để kịp thời, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc ngay sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, đặc biệt các quy định về quản lý đất đai, quản lý xây dựng, thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách đặc thù khác đối với người dân theo khu vực, địa bàn sinh sống.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC SÁP NHẬP

1. Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc

Quán triệt sâu sắc chủ trương, định hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 81-NQ/TU, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn tỉnh, xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi khách quan, là điều kiện, cơ hội để tạo sự chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của người dân.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận xã hội.

Chủ động phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh xây dựng phương án và tổ chức thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí việc làm và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động ảnh hưởng của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, hợp tình, hợp lý và có lộ trình phù hợp; không để xảy ra những tình trạng tiêu cực, gây mất đoàn kết nội bộ ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

Phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành tỉnh rà soát những tác động ảnh hưởng đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn để chủ động có phương án giải quyết kịp thời ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính bảo đảm các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sớm đi vào ổn định. 

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức

Cần nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của tỉnh và các nghị quyết của trung ương, từ đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với gia đình, người thân và Nhân dân trên địa bàn, tạo sự đồng thuận xã hội.

Chấp hành nghiêm chỉnh sự sắp xếp, phân công của tổ chức; nêu cao cảnh giác, không để các đối tượng xấu lợi dụng, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ làm ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, an ninh trật tự tại địa phương.

3. Đối với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh

Cần chủ động đăng ký, kê khai với các cơ quan chức năng về các loại giấy tờ cần phải chuyển đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện các thủ tục hành chính phát sinh do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

4. Đối với các cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc tại địa phương

Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát và chủ động xây dựng phương án sáp nhập tổ chức tương ứng tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc; có phương án tổng thể sắp xếp cán bộ, công chức cân đối chung toàn ngành bảo đảm kịp thời, đồng bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, có thể sắp xếp nội bộ ngành đi vào hoạt động ổn định.

5. Đối với hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn

Thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong quá trình tham gia xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng theo quy định pháp luật và chủ trương của tỉnh.

Chủ động kê khai với các cơ quan chức năng về các loại giấy tờ cần phải chuyển đổi; các chế độ, chính sách đặc thù đang được hưởng theo khu vực, địa bàn sinh sống để kịp thời được hướng dẫn giải quyết ngay sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc, tuyên truyền chống đối chủ trương của tỉnh về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Chủ động phát hiện và tố giác những hành vi lợi dụng việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính để vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.

6. Các ban, sở, ngành

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý, chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn và Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc rà soát các nhiệm vụ phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính, cấp đổi, chỉnh lý thông tin các loại giấy tờ liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách.

*

* * *

Việc sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn để mở rộng địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Để triển khai thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu của việc sáp nhập, yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ các nội dung của việc sáp nhập, thực hiện nghiêm túc các quy định, chế độ, chính sách về việc sáp nhập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY LẠNG SƠN

 

[1]              .  Điều 5, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh phải bảo đảm quy mô dân số đạt từ 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên đạt từ 150 km2 trở lên; số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên...

[2]             . Điều 2, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên của huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 850 km2 trở lên; quy mô dân số của huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên...

[3]             . Giao thông đi lại thuận lợi, chất lượng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội được nâng lên, người dân có cơ hội được hưởng thụ nhiều dịch vụ xã hội có chất lượng cao hơn như các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tư vấn pháp luật, lao động việc làm...

 

[4]             . Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 và Nghị định 143/2020/NĐ-CP, ngày 10/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế .

[5]             . Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND, ngày 30/3/2020 của HĐND tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố và sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố  trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.