Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022

       Nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 191 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 - 04/11/2022 ) và 113 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2022 ).

          Trong 02 ngày mùng 02 đến ngày 03 tháng 11 năm 2022, tại Hội trường tầng III, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022.  Tham gia Liên hoan có trên 250 nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ 11 huyện, thành phố, với 24 tiết mục trình diễn trang phục truyền thống; 36 tiết mục văn nghệ dân gian.

          Liên hoan nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" theo Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 3/7/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn, lồng ghép với việc triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2030".

          Liên hoan là một hình thức để tuyên truyền giáo dục, nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh, đồng thời, tôn vinh giá trị văn hóa, vẻ đẹp của trang phục truyền thống, làn điệu dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, các chủ thể văn hóa, diễn viên quần chúng được thực hành, trình diễn, quảng bá và giới thiệu về hình ảnh, vùng đất, con người Xứ Lạng nói chung; đặc trưng, bản sắc, nét đẹp các loại hình trang phục truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tới nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

          Xứ Lạng không chỉ được biết đến là một vùng đất phên dậu, thành trì quan trọng của Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, mà còn tự hào là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống với hơn 84% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Góp phần làm phong phú cho bức tranh văn hóa đa sắc màu đó là loại hình trang phục truyền thống và các làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, HoaDaoSán ChayMông.

          Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay.

          Song hành cùng với loại hình di sản văn hóa vật thể đó, người dân Xứ Lạng cũng đã sớm xây dựng được đời sống văn hóa tinh thần phong phú, trong đó phải kể đến các làn điệu dân ca mượt mà, tha thiết. Với tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, người Xứ Lạng đã sáng tạo nên những câu ca thắm đượm nghĩa tình và tràn đầy tinh thần dân tộc.

          Những câu ca ấy theo chân người Xứ Lạng trong mọi chặng đường của cuộc đời. Người Xứ Lạng sinh ra trong tiếng “ứ noọng” của bà, của mẹ; lớn lên trong từng câu hát đồng dao trong những buổi chăn trâu cắt cỏ; yêu thương nhau từ câu sli, câu lượn và trở về với tiên tổ trong tiếng tính lời then. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những làn điệu dân ca đó đã trở thành tài sản vô giá, nó không chỉ có giá trị nghệ thuật, âm nhạc dân tộc, mà còn có sứ mệnh lớn lao khi phản ánh tâm tư, tình cảm, những nét văn hóa đặc sắc của người dân Xứ Lạng và đồng hành với đất nước trong những cuộc trường chinh lịch sử và sự nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Đ/c Nguyễn Phúc Hà - GĐ Sở VHTT&DL Trưởng BTC Liên hoan

trao giải Đặc biệt cho phần trình diễn trang phục cho Đoàn Huyện Lộc Bình

Đ/C Phan Văn Hòa - PGĐ Sở VH,TT&DL cho các Tiết mục đạt giải tại Liên hoan

Đ/c Hoàng Thế Vinh - PGĐ Sở VH,TTDL trao giải cho các tiết mục
          Bế mạc Liên hoan Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 1 giải đặc biệt; 4 giải A; 7 giải B; 11 giải C và 18 giải khuyến khích cho 2 nội dung trình diễn trang phục dân tộc và hát dân ca.

Thu Hương