HỘI THI MÚA SƯ TỬ DÂN TỘC TÀY, NÙNG TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2022

Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi, thiết thực chào mừng Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ và 191 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn  (04/11/1831– 04/11/2022);  Thực hiện Quyết định số 741/QĐ-UBND, ngày 05/4/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch số 53/KH-SVHTTDL, ngày 10/5/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022.

Ngày 21/10/2022,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Hội thi Múa Sư tử dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn năm 2022. Tham dự Hội thi có 10 Đội Múa sư tử của 08 huyện, thành phố với gần 160 nghệ nhân múa sư tử.  Với những bài múa, trò diễn đặc trưng tiêu biểu như: Múa nghi thức chào, bái trống, nghi thức mở mắt; Múa đi đường, múa chào nhau, chào khán giả; Múa vui hội lồng tồng; Múa võ cổ truyền và các trò diễn liên quan .., hòa nhịp cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, chũm chọe đầy náo nhiệt.

Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa đựng nhiều thành tố: Âm nhạc, mỹ thuật, múa…có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của đồng bào Tày, Nùng; phản ánh nếp sống, lối sống chân thành, mộc mạc, giản dị, giàu lòng yêu thương, nhân ái, tôn kính thánh thần; sống hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; đối nhân xử thế giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với xã hội…Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Múa sư tử luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân. Là niềm tự hào đối với người dân tộc Tày, Nùng; là hình thái sinh hoạt văn hóa có sức lan toả mạnh mẽ; là linh hồn tạo nên sự vui tươi, sôi động, náo nhiệt trong các ngày lễ, tết. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng quan niệm rằng sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và mọi việc trong năm được thuận lợi; sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó. Bởi vậy sự xuất hiện của sư tử là sự khởi đầu của mọi điềm lành và góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng Tày, Nùng.

Với những giá trị đó, năm 2017, Múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/5/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Trên tinh thần đó, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Xứ Lạng, ngày 05/4/2021 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 741/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2030.

Việc tổ chức Hội thi Múa Sư tử dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn năm 2022 ngày hôm nay là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2030". Hội thi cũng là một hình thức để tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, lòng tự hào trong các cộng đồng, cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; là dịp để các Đội Múa sư tử của các huyện, được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về cách thức, điệu múa, trò diễn...qua đó, từng bước xây dựng, hình thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - múa sư tử dân tộc Tày, Nùng thành nguồn tài nguyên nhân văn, một sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh, đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt tạo nên sự hấp dẫn riêng có của nền văn hóa Xứ Lạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ của tỉnh một cách bền vững.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì và 4 giải Ba. Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 12 giải chuyên đề cho các tiết mục ấn tượng.

                                                                  Ban biên tập