Người miệt mài giữ hồn then

Posted Thu, 12/10/2015 - 16:55
By admin

Nguời có duyên tiền định với then

Vào tuổi 13, khi ấy trong làng còn nhiều nhà làm lẩu then (còn gọi hội then, tức ngày lễ thăng sắc cho bà then, ông pụt) bé Kịt thường theo chúng bạn đi xem. Đi nhiều, lâu dần Kịt cũng biết vài điệu hát then, biết gẩy lên vài nốt đàn tính, nghe cũng vui tai? Một lần nghe cô hát, một nghệ nhân then bảo Kịt có duyên tiền định với trời, phải mau chóng sang nghề hát then đi thôi. Lúc ấy, Kịt vẫn không tin...

Vài năm sau, khi đang ở tuổi xuân sắc nhất thời con gái, trai tráng trong làng có vài đám để ý mối mai. Kịt cũng thầm ưng thuận một người. Nhưng rồi, trong nhà như gặp phải tai ương, làm ăn lụi bại, bản thân cô đau ốm liên miên, chạy chữa thuốc thang thế nào cũng không khỏi. Chuyện tình duyên cũng tạm dừng từ đó.

Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt 

Ở quê của Kịt, những người làm then muốn theo nghề bao giờ cũng phải hạ thủy (trầm mình dưới nước) sau đó được thầy mo làm lễ Phong sất (lễ giải tà ma) rồi mới học nghề.

Hai mươi tuổi, vào một ngày định mệnh, Kịt đi khỏi nhà như có người xui khiến. Đến một dòng suối nhỏ, cô trầm mình xuống dòng nước trong veo. Khi bước lên bờ, bước chân đưa lối, cô tự tìm đến ngôi nhà một thầy mo. Thầy biện lễ cúng xôi gà, chợt thấy người tỉnh táo lại, từ đó cô xin ở lại nhà thầy để theo học làm then. Trong suốt bốn năm cô không một lần được trở về thăm nhà, dù chỉ cách nhà 2 km.

Trong bốn tháng đầu, Kịt học rất nhanh, biết nhiều điệu hát then, đánh đàn thành thạo. Cô đã có thể theo thầy đi làm lễ cúng trừ tà ma cho những nhà có người ốm đau, cúng giải hạn cho những nhà gặp xui xẻo, cúng cho những cặp vợ chồng muộn con... Đến năm 21 tuổi, Kịt được ông Nông Tảo Dương, một thầy mo có tiếng trong vùng làm lễ cấp sắc. Từ đó cô chính thức bước vào nghiệp làm then và theo đuổi nó trong suốt 60 năm trời

Đau đáu một nghiệp then

Nếu ai đã từng nghe hát then một lần mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người làm then. Đó phải là những điệu then nguyên bản như Tàng lừa, Phăng nặng, Sa lư - chứ không phải những làn điệu then đã được các nhạc sĩ cách điệu, đặt lời cho hợp với chất giọng du đương nhẹ nhàng mà các cô văn công thường biểu diễn. Mỗi khi làm lễ cầu con, thượng thọ hay giải hạn... các ông pụt, bà then phải hát liền tù tì 10 điệu khác nhau. Thậm chí, ở những nhà làm lẩu then, họ phải hát liên tục ba ngày ba đêm cho đủ 35 điệu. Hát xong, họng ai cũng khàn, cổ hong bỏng rát như ngậm than hồng.

60 năm làm then, bà Kịt cũng chẳng còn nhớ mình thuộc bao nhiêu chương đoạn, chỉ biết hát say mê những điệu then đã học từ thủa còn thơ. Giờ đây tuổi đã cao, lưng còng nhưng hễ có người đến đón đi làm then, bà vẫn nhiệt tình. Con cháu khuyên ngăn chẳng được, bởi theo cái lý của bà, cái nghiệp này đeo đuổi người hát đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới dừng.

Dăm bữa, nửa tháng bà lại tay xách tay nải đi làm xa nhà. Vậy mà cũng như bà khi xưa, học trò từ các nơi vẫn đổ đến tìm bà đông nghẹt. Có 8 người đã được bà truyền dạy thành nghề (người lớn tuổi nhất đến nay cũng vào tuổi 76, trẻ nhất cũng ở tuổi 34). Những năm đói kém mất mùa, bà bận dạy học trò nên cũng không còn thời gian lo việc nương rẫy nữa. Song bà luôn tâm niệm: cái nghiệp làm then như mình có sứ mệnh phải truyền dạy lại cho đời sau không được từ nan, thoái thác.

Nhớ xưa, có thời dân làng không hiểu, dị nghị, những người làm then bị coi như thứ tà ma. Vì thế mỗi lần đi làm then bà cứ phải lẩn lút. Cây đàn tính, thứ nhạc cụ không thể thiếu trong những buổi lễ then của dòng tộc truyền lại bao đời đã hơn 100 tuổi, bà đành gạt nước mắt để xẻ thành ba khúc, tháo đây tháo cần cho vào túi những khi đi làm xa... Mãi tới khi có Nghị quyết T.Ư 5 - khóa VIII của Đảng, hát then-đàn tính mới được thổi vào một sức sống mới. Giờ đây, cây đàn gia truyền được bà treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà.

Giọng bà rưng rưng kể lại kỷ niệm những lần được tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần 3 tại Quảng Ninh năm 2002. Bà được vinh dự nhận huy chương vàng cho tiết mục hát then xuất sắc nhất. Bảo tàng Dân tộc học đã mời bà về biểu diễn hát then cho các đoàn khách tham quan quốc tế. Và mới đây nhất, bà vinh dự mang điệu hát mình yêu thích Phèo Quang, Phèo Nạng (Đánh hươu, Đánh nai) đi tham gia Liên hoan hát then-đàn tính lần I tại Thái Nguyên, và được Bộ VH-TT đã trao tặng tấm bằng khen đặc biệt ở nội dung: nghệ nhân làm then cao tuổi nhất liên hoan.

Nhìn bàn tay già nua bởi những vết đồi mồi, vết thời gian của bà đang tỷ mẩn lau cho sáng rỡ từng dây đàn, tôi tin những làn điệu then da diết bà đang hát sẽ còn vang vọng tới mai sau.

Theo Nhân dân điện tử