Lượn Slương - vốn dân ca quý báu của người Tày

Posted Mon, 10/12/2015 - 16:49
By admin

Lượn slương phân bố chủ yếu ở phía Tây - Nam của tỉnh - thuộc hai huyện: Thạch An, Phục Hòa tỉnh Cao Bằng và rộng khắp tỉnh Lạng Sơn.

Có lẽ vì thế mà lượn slương còn có tên là lượn Lạng. Trong các thể loại lượn (lượn nàng ới, lượn cọi, lượn ngạn, lượn then, lượn hồng nhan tứ quý...), lượn slương là một trong những làn điệu dân ca danh tiếng, lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Lượn slương thật đúng với danh tính của nó (lượn thương), là hình thức hát giao duyên đặc trưng, phổ biến của bà con dân tộc Tày, nhất là những năm 60 thế kỷ XX trở về trước. Chủ thể chính là nam, nữ thanh niên giao lưu tình cảm, quyến luyến tìm hiểu nhau, rồi dẫn đến tình yêu đôi lứa. Ngôn ngữ của lượn slương rất tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng, bằng lối so sánh ví von kết hợp với tả thực, lượn slương đã chinh phục được đông đảo công chúng. Khi cất lên thành giai điệu thì lời ca bay bổng diệu kỳ, cuốn hút người nghe, kẻ hát. Giai điệu lượn slương êm ái, dung dị, ngọt ngào cảnh sắc núi rừng quê hương và lòng người da diết yêu thương, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đặc trưng của lượn slương cũng như các thể lượn khác của người Tày là hát công khai chủ yếu ở trong nhà, thu hút đông đảo bà con, cô bác trong làng đến lắng nghe, cổ xúy trước sự động viên khích lệ của người già và sự giúp đỡ tận tình của nghệ nhân từ khâu chuẩn bị, dẫn lượn và cả cuộc lượn. Mỗi vùng có từng loại lượn khác nhau: lượn then, tứ quý hồng nhan ở các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Quảng Uyên; lượn nàng ới ở huyện Hà Quảng, Thông Nông, tây bắc huyện Hòa An; lượn cọi ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng; lượn ngạn ở vùng biên giới huyện Trà Lĩnh và vùng giáp ranh với huyện Hòa An. Nhưng hầu hết các thể lượn đều đặt theo thể thơ thất ngôn trường thiên (chữ thứ năm câu sau bắt vần với chữ thứ bảy câu trước), riêng lượn slương đặt lời theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.  Một cuộc lượn slương thường có kết cấu hoàn chỉnh ba phần: lượn nai (lượn mời hát), lượn đi đường; lượn sử, lượn chúc mừng. Các phần lượn thường diễn ra như sau:

Khai cuộc là những câu lượn hát của phía chủ nhà nói lên điều may mắn, hân hạnh, vui mừng khôn xiết cho bản làng trước sự có mặt của khách quý đến thăm, thậm chí còn tự than thân trách phận chưa đón tiếp bạn nhiệt tình chu đáo. Tiếp theo là những lời mời muốn khách hát lượn đối đáp một cách da diết, chân tình. Có nhiều đoạn hát đầy ý nhị, ví von, cảm kích vô cùng: “… Nhị va phong sơn cảnh sắc đào/Bioóc phông mèng bửa hộn lao xao/Pia dú chang vằng mong nặm mâứ/Cần thẻ hăn căn đảy tuộng chào”. Tạm dịch: “Nhị hoa gió núi cảnh sắc đào/Hoa nở ong bướm nhộn lao xao/Cá giữa vực sâu mong nước mới/Người thể gặp nhau được hỏi chào”.

Lượn slương vào đoạn hát mời, thông thường có tới ba, bốn người thay nhau hát, nhưng khi vào cuộc chính thức thì chỉ có một đôi trai, gái nhập tâm các bài kết hợp ứng khẩu tại chỗ đối đáp với nhau, chứ không có thầy dắt dẫn như lượn cọi. Như vậy người lượn luôn có ý thức sáng tạo phù hợp hoàn cảnh cụ thể, không dập theo khuôn mẫu nhất định nào đó. Bởi thế mà sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người nghe.

Sâu lắng, hàm súc hơn cả là lượn pây tàng (lượn đi đường), đó là phần nội dung trọng tâm của lượn slương được người hát và người nghe quan tâm nhất. Lượn đi đường còn có nhiều bài, chương: Cáy khăn (gà gáy), Nhẳm lừa hải va (Đi thuyền hái hoa), Hải nhỉ xuân (Hái nhị xuân), Cừn vọng hả canh (Đêm vọng năm canh), Kết duyên táng bản (Kết duyên khác bản), Slí slì  chương (Chương bốn mùa), Slương điếp chương (Chương thương yêu), Phố slắng bạn chương (Chương dặn dò bạn). Toàn bộ lượn đi đường là quá trình tìm hiểu nhau, từ làm quen đến chia sẻ buồn, vui cùng bạn đời, có lúc dỗi hờn, trách móc để rồi đến với nhau đằm thắm, mặn mà hơn. Nội dung của phần lượn này chứa đựng đầy ắp nỗi nhớ thương kín đáo, e ấp, sâu sắc đến mạnh bạo bất ngờ, phản ánh tâm nguyện của các chàng trai, cô gái yêu nhau. Như trong những lời “…Tự vằn pây lỉn chổn vụ hè/Đin nhả tu rườn vẻng tả sle/Xiêu bản tốc mường pền lưu lạc/Oóc pền thất đức đạo pỏ mẻ”. Tạm dịch là “Từ ngày dạo chơi  giữa vụ hè/Ruộng vườn nhà cửa bỏ qua đi/Hết bản lại mường thành lưu lạc/Nên thành thất đức với mẹ cha”. Tình cảnh của chàng trai khi cách xa bạn tình thật lãng tử, bi thương. Nhưng sau đó họ vẫn tin tưởng nuôi dưỡng tình yêu, kiên trì chờ đợi có ngày nên duyên, họ nhắn nhủ nhau hãy trân trọng những gì đã có với nhau: “…Slắng căn cừn nghị kỉ càm phuối/Sloong rà giao kết lẹo pền tuôi/Phong kỉn kỉ cằm sle đâư toọng/Dá khay phuối oóc hẩu pậu ngòi”. Tạm dịch: “Đêm thanh canh cánh dặn đôi lời/Hai ta giao kết đã thành đôi/Cất kỹ mấy lời để trong dạ/Chớ nói lộ ra với người đời”.

Phần lượn sử thường kể về những câu truyện truyền thuyết, dã sử, truyện dân gian, cổ tích, lịch sử của Việt Nam và một số tích truyện Trung Quốc như: “Chương truyện Bioóc lồm”, “Chương truyện Ngọc Dung”, “Sự tích truyện tiên sa”, “Chương truyện bồ cốc”, “Sơn Bá, Anh Đài”. Thời gian giành cho lượn sử khá dài, có thể gần hết một đêm. Cuộc lượn đến phần này chứng tỏ tình duyên đôi lứa đã đạt đến mức độ hứa hẹn chắc chắn. Người hát biểu lộ tình yêu của mình, họ nhập tâm đồng cảm với các nhân vật trong truyện như chính họ vậy, nên càng hát càng say sưa, tình cảm vì thế càng sâu nặng hơn.

Phần cuối cùng là các bài lượn đáp nghĩa, cảm tạ với gia chủ và bà con làng bản đã tạo điều kiện cho đôi lứa được hát lượn giao duyên, ca ngợi phong cảnh sơn thủy hữu tình của bản làng, sông, núi; phong tục tập quán quê hương. Bên cạnh đó, các bài ca chiềng chúc (Bài ca trình chúc) như: “Chồm lẩu Then” (Mừng lẩu then), “Chồm đảm lẩu” (Mừng đám cưới). Các lời chúc, như: “… Xo chúc đức thánh ngự nưa ngai/Pi nảy mùa màng thậm đảy lai/Tưởng lạo cần cần tăng tuế thọ/Như cằm khỏi chúc ná mì sai”. Tạm dịch: “Xin chúc đức thánh ngự trên ngai/Năm nay mùa màng bội thu lớn/Trưởng lão người người tăng thượng thọ/Như lời tôi chúc chứ chẳng sai”.

Cuộc lượn nào tiến hành được ba phần như trên là hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phần đầu: Lượn nai (lượn mời), Pây tàng (Đi đường) là quan trọng nhất, không thể thiếu được trong lượn slương. Thực tế, tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian mà không cần tiến hành đầy đủ cả ba phần, thậm chỉ cả hai phần sau không có cũng được, trong khi phần đầu nhất thiết phải có.

Lượn slương, vốn dân ca quý báu đậm đà bản sắc văn hóa của ông cha để lại cho chúng ta, sợi dây kết nối các chàng trai, cô gái, là chỉ tơ hồng xe duyên những lứa đôi. Đồng thời, là nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân các dân tộc. Lượn slương cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy, phát triển trường tồn cho cả hậu thế tương lai.

Nguồn Báo Biên Phòng Việt Nam.vn