TỔ CHỨC TRIỂN LÃM NHỎ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN LƯU ĐỘNG CƠ SỞ

Posted Fri, 03/31/2017 - 17:54
By admin

           Cổ động trực quan là phương pháp dùng hình ảnh, hiện vật tác động vào thị giác của con người, thông qua thị giác dẫn đến tư duy nhận thức như: vui, buồn, yêu, ghét, thích hoặc không thích, nên hay không nên... Trong công tác văn hoá thông tin, cổ động trực quan đóng góp vị trí quan trọng và ngày càng thực sự đi vào đời sống xã hội. Mục đích của công tác cổ động trực quan là tuyên truyền, giáo dục cụ thể, giải thích cho đông đảo quần chúng hiểu rõ và tích cực thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền những nhiệm vụ, thành quả xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, phổ biến và thúc đẩy việc ứng dụng những kinh nghiệm tiên tiến, phê phán những hiện tượng tiêu cực...

          Tuyên truyền cổ động trực quan được thể hiện với những hình thức như: Băng cờ, khẩu hiệu, tranh cổ động, tranh biếm hoạ, cụm cổ động, triển lãm, trạm tin...Trong đó triển lãm nhỏ là loại hình thông tin cổ động thường được kết hợp giữa tài liệu trực quan với tuyên truyền miệng cho một chủ đề. Ưu điểm của loại hình này là cùng một chủ đề tuyên truyền nhưng có thể triển khai trên nhiều địa điểm, vì vậy thể loại này dễ dàng thông tin thường xuyên, kịp thời tin tức và sự kiện chung của đất nước cũng như của địa phương...Triển lãm nhỏ rất thích hợp với hoạt động thông tin lưu động ở cơ sở do các đặc điểm:

          - Thể hiện nội dung bằng hình thức trực quan sinh động thu hút được sự chú ý của người dân, hướng người xem vào nội dung tuyên truyền một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ.

          - Với hình thức triển lãm nhỏ, gọn, dễ làm và làm nhanh phù hợp với điều kiện ở cơ sở, đáp ứng được tính kịp thời trong hoạt động cổ động.

          -  Nội dung cổ động, tập trung các thông tin về một sự kiện, một công việc đang làm, đã làm ở địa phương đảm bảo tính nhạy bén, tính thiết thực và chỉ đạo hành động cụ thể.

          - Trong hoạt động tuyên truyền cổ động của các Đội tuyên truyền lưu động, việc sử dụng triển lãm nhỏ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức cổ động trực quan với tuyên truyền miệng làm cho lời nói sinh động hơn, nhằm tới mục tiêu hướng dẫn người xem hiểu được vấn đề cụ thể mà làm theo.

          Thực hiện triển lãm nhỏ có các loại chủ yếu như:

          Triển lãm thời sự: bao gồm bộ ảnh thời sự, tập trung phản ánh các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá v.v..

          Triển lãm phổ biến khoa học, đời sống văn hoá xã hội, thường có các nội dung như: Hướng dẫn sản xuất nông nghiệp; Kế hoạch hoá gia đình, phòng chống HIV/AIDS,  Phòng trào xây dựng nông thôn mới; Phòng trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.v.v.

          Triển lãm về gương người tốt việc tốt bằng các tấm gương người thật, việc thật trong thực tế sinh động tại địa phương. Đây là loại hình có tác dụng giáo dục, cổ vũ phong trào quần chúng...

          Triển lãm tranh biếm hoạ, phê bình đả kích những thói hư, tật xấu, những hành động sai trái với pháp luật, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thể loại này được sử dụng nhiều về các nội dung như phòng chống tham nhũng, trật tự an toàn giao thông, kế hoạch hoá gia đình, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan...

          Xây dựng một bộ triển lãm nhỏ gồm các phần việc:

- Xác định thời gian, địa điểm và nhiệm vụ tuyên truyền ( Thời gian tuyên truyền cần kịp thời, chọn địa điểm thích hợp và thuận tiện để đáp ứng được đông đảo quần chúng nhân dân )

         - Biên tập tài liệu trực quan ( hình ảnh, tranh ảnh, hiện vật...) soạn đề cương ( Tên triển lãm, sắp xếp trình tự tài liệu tuyên truyền, chú thích, lời thuyết minh ). Sau khi hoàn thành bộ triển lãm phải được cấp có thẩm quyền duyệt thông qua.

          - Xây dựng đề án tổ chức thực hiện.

          - Thiết kế mỹ thuật dàn dựng triển lãm: Phương án thiết kế dàn dựng triển lãm cần đảm bảo tính cơ động cao, đơn giản, gọn nhẹ, thuận tiện khi lắp ráp cũng như tháo rời. Phương án dàn dựng triển lãm cần phù hợp với tài liệu với nội dung tuyên truyền, màu sắc trang trí đẹp tươi tắn, hài hoà.

          Sau khi đã xác định thời gian, địa điểm và nhiệm vụ tuyên truyền người thực hiện sẽ tiến hành các bước:

          Bước 1. Biên tập đề cương triển lãm: là việc chuẩn bị những hiện vật, hình thức thể hiện theo mục đích và chủ đề tuyên truyền ở địa phương và cơ sở. Sau khi hoàn thành đề cương phải được cấp có thẩm quyền thông qua. Bản đề cương cơ phải thể hiện được mục đích, yêu cầu của bộ triển lãm mang đến cho người xem nhận thức được gì, nhằm giải quyết vấn đề gì, hướng dẫn và cổ vũ hoạt động gì tới quần chúng? Trong bản đề cương nội dung được phân chia thành từng phần nội dung thể hiện trên các tranh, ảnh việc phân chia từng cảnh của bộ triển lãm tuỳ thuộc vào thể loại triển lãm.

          Bước 2. Thể hiện bản đề cương thành bộ triển lãm: Trên cơ sở của bản đề cương bộ triển lãm, người thiết kế kết hợp với người biên tập xây dựng bộ triển lãm, đây là quá trình người biên tập sử dụng các phương tiện tạo hình cơ bản để truyền đạt nội dung của bộ triển lãm thành hình ảnh, tranh vẽ cụ thể, rõ ràng, gây ấn tượng với người xem.

          Bước 3. Viết thuyết minh và lời chú thích:

          Có thể nói lời thuyết minh là linh hồn của bộ triển lãm, có tác dụng truyền cảm mạnh mẽ tới người xem. Khi viết lời thuyết minh người biên tập phải dựa trên nội dung kết hợp với bộ ảnh hoặc bộ tranh đã hoàn thành để viết. Ngôn ngữ thuyết minh vừa có tính văn học, vừa có tính cổ động phù hợp với ngôn ngữ địa phương. Lời thuyết minh thường được viết bằng văn xuôi hoặc văn vần, thơ ngắn gọn, dễ nhớ, đồng thời phải có ý nghĩa sâu sắc, dí dỏm.. sẽ tạo hiệu quả tuyên truyền của bộ triển lãm được cao hơn. Sau khi hoàn thành, bộ triển lãm nhỏ sẽ được trưng bày tại nơi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân của Đội tuyên truyền lưu động.

          Triển lãm nhỏ tuy nhỏ về quy mô nhưng có khả năng đề cập tất cả các nội dung tuyên truyền một cách sâu sắc, dễ hiểu và rất phù hợp với điạ phương. Đối với hoạt động tuyên truyền lưu động, triển lãm nhỏ mang tính lưu động cao, hình thức trưng bày linh hoạt, thế mạnh của loại hình này là không thụ động đợi người đến xem mà chủ động đem thông tin, kiến thức đến cho người xem, đây là hình thức phục vụ đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền cổ động. Thực hiện triển lãm nhỏ không chỉ có tác dụng phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phổ biến kiến thức... mà còn mang đến cho công chúng một hình thức văn hoá, nghệ thuật, tạo điều kiện cho việc học hỏi, nâng cao lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

                                                                                                                                       Lý Lan