Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

         Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 9 ngày từ ngày 20/7/2021 đến ngày 28/7/2021. Đây là kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, có tính chất nguy hiểm của biến thể vi rút mới, bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, Quốc hội làm việc rất khẩn trương, liên tục, không có ngày nghỉ để hoàn thành, bảo đảm chất lượng nội dung, chương trình đề ra; kỳ họp đã kết thúc sớm 3 ngày so với chương trình đã được thông qua, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

          Tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận dân chủ, quyết định những vấn đề quan trọng, gồm: xem xét cho ý kiến các báo cáo về tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử; xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xem xét, thông qua 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Xem xét kỹ lưỡng về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

          Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, chuyên nghiệp, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, ngành, các Tổ phụ trách công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội trân trọng cử tri và Nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia rất tích cực và có trách nhiệm, góp phần thành công của cuộc bầu cử. Đồng thời, yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nêu cao trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, kịp thời hiến kế để ban hành các quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

          Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ ( gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác).

          Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 01 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 

          Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Quốc hội khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cấp ủy và chính quyền, các đoàn thể, (đặc biệt là lực lượng tuyến đầu của ngành Y, quân đội, công an, tình nguyện viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân…) chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh; 6 tháng đầu năm 2021 chúng ta đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại,…

          Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. 

          Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi đầu tư phát triển hằng năm đạt 28%; tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP.

          Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí, 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

          Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 3. Chương trình năm 2022 gồm 09 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và 02 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến hai lần.

          Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, trong đó ghi nhận toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân./.

Thu Hương ( Biên tập )