Tục thờ cúng Mè Nàng trong gia đình người Nùng ở Lạng Sơn

Lạng Sơn là nơi quần cư của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Nùng, Tày, Kinh, Mông Dao, Sán Chay… Trải qua bao đời nay, cùng với quá trình sinh tụ và phát triển họ đã kiến tạo nên những bản làng trù phú, tươi đẹp nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc. Với ba nhóm chính là Inh, Phàn Slình và Cháo, người Nùng từ lâu cùng với các dân tộc khác đã gìn giữ cho riêng mình những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, riêng có. Trong những giá trị văn hóa ấy, việc thờ cúng Mè Nàng trong không gian thờ tự của mỗi gia đình ẩn chứa nhiều ý nghĩa, biểu tượng văn hóa sâu sắc.

Không gian thờ tự Mè Nàng ( ban trên ) của gia đình NNUT Hà Mai Ven

xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

          Mè Nàng là ai, vai trò của mè Nàng trong đời sống tin thần của người Nùng

Người Nùng cũng giống như các dân tộc anh em khác, họ cũng có tín ngưỡng đa thần; việc thờ cúng xuất phát từ sự ghi nhớ công ơn, nguồn cội của những người đã khuất và các đấng thiêng liêng.  Tùy từng gia đình mà thờ tự, ngay từ ngoài sân đã có Ông Ké Hổ Lộc hang chàn - Hổ Lộc Đại Vương có vai trò giữ của; đến hiên nhà có ông Pú Chự - ông cụ, là quản gia coi giữ gia cầm gia súc; cửa nhà có ông Slam Cun - Tam Quan cũng là thần giữ cửa; bức vách có ông An Phủ Tài Hùng - An Phủ Đại Vương là thần bảo vệ nhà đến không gian chính (chang cai) là nơi thờ tự tổ tiên ba đời trở lên và các các vị có chức sắc, tổ nghề gọi là Slay như Tào, bụt, mo, sliên; kế đến là bàn thờ mụ - Hoa Vương Thánh mẫu. Trên cùng (tềnh cừng) sẽ dành một không gian riêng cho một vị tối linh gọi là Mè Nàng.

Theo nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn người có nhiều năm tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa Nùng Cháo cho biết: Từ nhỏ tôi đã được ông bà kể lại, Mè Nàng hay còn gọi Nàng Slin, Nàng Táy (Bà tiên, Bà Đế) tùy họ mà thờ tự, Bà là một vị thần linh quan trọng bảo vệ bình an cho cả nhà, được đặt thờ ở phần trên; Tết đến nhà nào cũng có quà bánh đề thờ, rót trà và thắp nến thắp hương khói đầy đủ. Thầy Hoàng Văn Đoàn vừa làm nghề Tào, nghề Then, sống ở thôn Quán Hồ, xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn chia sẻ, hàng năm tết đến dân bản hay nhờ tôi viết câu đối tết và văn tự bàn thờ, chiếu theo sách cổ của thầy Tào tôi được biết Mè Nàng có nhiều tên hiệu, nhưng tựu chung khi viết sẽ như sau: Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm quan thế âm bồ tát liên tọa hạ  - nàm mồ tà slử tả pảy chảu cú chảu nản lình can con slỉ dâm phù slả lèn chỏ xà. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Yên, nhận định: Người Nùng có tục thờ cúng khá đặc biệt, ngoài tổ tiên thần linh họ còn thờ Mè Nàng, gọi đầy đủ là Mè Nàng Quan In -  Phật Bà Quan Âm là một trong những nét thờ cúng đặc trưng tiêu biểu ở Lạng Sơn.

Như vậy, có thể hiểu rằng Mè Nàng chính là Phật Bà trong văn hóa phật giáo đã được người Nùng bản địa hóa bằng phương ngữ của dân tộc mình; tùy theo từng gia đình, dòng họ mà được tôn thờ, bày trí khác nhau nhưng luôn ở trên vị trí trang trọng nhất. Phật Bà hay Quan Thế Âm Bồ Tát được nhắc đến nhiều trong kinh chú, ngài là hiện thân của sự từ bi vô hạn, cứu rỗi chúng sinh khỏi những đau khổ, bất hạnh của cuộc sống, ngài có nhiều tên gọi khác nhau. Mè Nàng cũng vậy, tên gọi chính là Mè Nàng - Phật Bà, liền kề sau đó còn các tên gọi phổ biến như: Mè Nàng Con Dâm – Phật Bà Quan Âm;  Mè Nàng Hái Ngàn – Phật Bà Hải Ngạn, Mè Nàng Thó Sình – Phật Bà Thanh Tịnh; Mè Nàng Chất Vìn, Ngọ Vìn – Phật Bà Thất Vị, Ngũ Vị; Mè Nàng Sỉu Táy – Phật Bà Siêu Đế; Mè Nàng Vền Tàn – Phật Bà Huyền Đàn; Mè Nàng Tài Táy- Phật Bà Đại Đế… Thống kê có đến 30 danh hiệu. Mè Nàng chính là đấng tối linh bao bọc che trở cho sự an yên của mỗi gia đình, được tờ phụng hương hoa và vật cúng dường quanh năm trong các kỳ lễ tết và những dịp trọng đại trong không gian thờ cúng của người Nùng.

          Cách thức thờ cúng Mè Nàng

Mè Nàng có nhiều tên gọi khác nhau nhưng đại bộ phận cách thức thờ cúng sẽ được bày trí như sau: Không gian thờ tự được lập theo hướng chính cửa đi vào (chang cai); ban dưới sẽ thờ tổ tiên từ ba đời trở lên, ban trên thờ Mè Nàng. Tùy từng vùng mà gian thờ Mè Nàng được trang trí khác nhau, người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc hay để bàn thờ Mè Nàng vào khám bao phủ, che chắn bởi các miếng gỗ và câu đối, dán giấy đỏ lì xì vào ngày tết, người Nùng Inh ở Tân Văn, Bình Gia và người Nùng Cháo ở Còn Lải, Còn Sình Thành phố Lạng Sơn và vùng ven Cao Lộc lại chỉ dán giấy đỏ lì xì và câu đối. Về quy cách thờ bát hương sẽ đặt chính bàn, tùy theo tên hiệu mà đặt từ 1 đến 7 bát hương; như Mè Nàng chất vìn sẽ đặt 7 bát, ngọ vìn 5 bát nhưng ngày nay đã giản tiện đi nhiều, thường để 1 hoặc 2 đến 3 bát. Trước án hương là hàng chén để rót trà là chủ yếu, có nơi rót rượu. Vật phẩm cúng dường hầu hết là đồ chay. Mỗi năm vào tết nguyên đán, ngoài việc gói bánh chưng có nhân thịt họ còn gói bánh trưng chay, bánh bỏng - pẻng khô, bánh gạo đường- khẩu sli; đến rằm tháng bảy lại gói bánh rợm đường, tháng năm thì cúng bánh tro, mùa nào thức nấy cứ phải đầy đủ cho nhà ngài.

Thầy Đoàn cho biết thêm, hiện nay ngoài cúng chay, có nơi họ lại bày tiệc rượu và đồ mặn ở dưới bàn thờ sau đó thỉnh ngài biến thân – piến slăn xuống để nhận lễ vật, có nơi lại cúng cả con gà trống thiến lên trên bàn; phần này thể hiện rõ ở việc thờ cúng Mè Nàng Vền Tàn Nả Đăm - Hắc Hổ Huyền Đàn hoặc Chất Vìn Pẹc Slẹc Thông tin Tài Tì Hùng - Thất vị Bạch Sạch Thông tin Đại Địa Vương. Theo chúng tôi nhận định, do ảnh hưởng của đạo giáo nguyên thủy ở nước ta rõ nhất ở trường hợp thờ cúng các tên là Hắc Hổ Huyền Đàn, Lôi Đình, Đại Vương, Dục Hùng Tài Táy – Ngọc Hoàng Đại Đế, các vị này có binh lính và linh vật đi theo như lân, sư, hổ vì thế có thể cúng đồ mặn, bên cạnh đó còn là việc nhà ngài khao thưởng cho những người hầu hạ. Sau khi Phật Giáo vào nước ta, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đã làm Đạo Giáo dần mất hình ảnh hoặc đồng nguyên (trường hợp này giống với tên gọi động chùa Tam Thanh – Thành phố Lạng Sơn) thêm vào đó là yếu tố bản địa hóa tinh tế của người Nùng đã vô hình chung biểu tượng Mè Nàng. Vì vậy, cần nhận định rõ tên gọi Mè Nàng là để chỉ Phật Bà với một số tên hiệu liền kề phổ biến như Côn Dăm – Quan âm, Hái Ngàn – Hải Ngạn, Thó Sình – Thanh Tịnh, Ngọ Vìn – Ngũ Vị cúng dường đồ chay; còn trên ngai (tềnh cừng) có thể cùng có các vị thần linh khác như Hắc Hổ Huyền Đàn, Lôi Thần, Ngọc Hoàng Đại Đế, Các vị Đại Vương… mà ngày nay dân chúng vẫn gọi chung Mè Nàng thường cúng dường đồ mặn.

Trong các kì lễ theo vòng đời của người Nùng như đầy tháng, lễ trưởng thành, sinh nhật, nhà mới tang ma cưới xin hay làm lễ giải hạn, cầu an chúc phúc… họ đều phải dâng rượu trà, thắp nến, hương và cúng dường đồ chay cho nhà ngài như xôi oản, cơm bao - khẩu vản, khẩu pao, dâng gà thịt đồ mặn cho các vị thần linh cũng được gọi chung Mè Nàng (đã nói phần trên).  Theo Thầy then Nguyễn Văn Thọ cho biết, Mè Nàng có hơn 30 vị, mỗi vị cai quản một miền non nước phương trời, luôn từ bi hỉ xả cứu vớt những khổ đau của con người; trong hành trình nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc Nùng, mỗi lần các thầy Tào, Mo, Then hành binh đến các cung cửa đều phải xin bái lạy và dâng lễ vật đến cửa Nàng mới đắc lễ. Đoạn hát Then lên cửa Mè Nàng kể:

Lạy Nàng bố lạy dặt lạy dón

Lạy Nàng bố lạy cón lạy lăng

Vái mạ khỉn Slam slíp khung nàng táy

Khỉn Slam slíp tẻn nàng Slin

Nàng ơi pặt lừn quảng to pang

Pặt nhà lầu to cú.

Lạy Phật bà không lạy dở lạy dang

Lạy Nàng không trước lạy sau

Quản ngựa lên ba mươi cửa Nàng đế

Ba mươi cung Nàng tiên

Nàng ơi mở cửa lớn  chờ lễ

Mở nhà lầu đón pang.

          Vai trò ý nghĩa biểu tượng Mè Nàng trong đời sống văn hóa của người Nùng ở Lạng Sơn

Niềm tin, tục thờ cúng một đấng thiêng liêng - Mè Nàng đã ngự trị trong cộng đồng người Nùng từ bao đời nay không chỉ ở Lạng Sơn mà còn ở khắp nơi trên đất nước ta, được trao truyền và gìn giữ như những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc. Cùng với sự phát triển của xã hội, Mè Nàng đã có nhiều dị bản, thậm chí những cách thức thờ cúng chay, tạp cũng hòa trộn, xen lẫn; tên gọi mỗi nơi một khác, mỗi vùng miền có những cách thức riêng để tôn thờ nhà ngài. Tuy vậy, sự có mặt của Mè Nàng trong tín ngưỡng thờ cúng của người Nùng ở Lạng Sơn giống như biểu tượng về một người mẹ hiền che trở, cứu rỗi cho phần tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi dòng họ để họ an yên chinh phục những trở ngại của thiên tai địch họa, bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống. Thông qua những cách thức thờ tự, nghi lễ dâng cúng, lề lối, phép tắc, gia phả, luật tục mỗi gia đình, dòng họ đã cố kết họ thành khối đoàn kết thống nhất, yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau góp phần xây dựng nên những bản làng tươi đẹp nơi vùng biên cương của Tổ quốc. Đó cũng là những mục tiêu mà văn hóa phật giáo hướng đến cũng như ước vọng chung của loài người./.

Hoàng Việt Bình - Trung tâm VHNT tỉnh