THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA THIẾT CHẾ VĂN HÓA CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ LẠNG SƠN

        

                        Toàn cảnh thành phố Lạng Sơn           Nguồn: Báo Lạng Sơn

        Chủ trương của Đảng ta khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Thiết chế văn hóa đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa đảng bộ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân; là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân…tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. 

         Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lạng Sơn, cùng với sự phát triển chung của Thành phố, những năm gần đây sự nghiệp văn hóa, thể thao đã có những bước phát triển mới, tương xứng với phát triển kinh tế; nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng cao; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị được quan tâm triển khai, đi vào chiều sâu, được nhân dân tích cực tham gia thực hiện; chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng; nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao nói riêng ngày càng được tăng cường.

         1. Thực trạng thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn thành phố

        a) Thiết chế văn hóa - thể thao thành phố và phường, xã

         Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có Sân vận động Đông Kinh, Nhà thi đấu TDTT do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh quản lý; có Trung tâm Thanh thiếu nhi do Tỉnh đoàn quản lý. Các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ  do thành phố, các phường, xã tổ chức đều được tạo điều kiện cho sử dụng địa điểm.

        Thành phố quản lý Trung tâm hội chợ Thương mại, Hội trường Thành ủy - UBND, nhà Đa năng… để hội họp và tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan của địa phương.

        Có 4/8 phường, xã có nhà văn hóa phường, xã diện tích xây dựng trung bình từ 200m; Trung tâm văn hóa - Thể thao phường, xã diện tích quy hoạch xây dựng trên 10.000m2. Trang thiết bị trong các Nhà văn hóa được đầu tư tương đối đầy đủ bao gồm bàn, ghế, sân khấu, âm thanh; có sân tập thể dục thể thao đơn giản và khu thể thao.

          Các phường khác đang sử dụng hội trường trụ sở phục vụ cho các cuộc họp và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương với diện tích sử dụng từ 60 - 80m2, sức chứa từ 200 - 250 chỗ ngồi; có các trang thiết bị thiết yếu. Đây không phải là thiết chế văn hóa, tuy nhiên với đặc thù địa phương, chưa bố trí xây dựng được Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường thì các Hội trường này thường được lựa chọn để diễn ra các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ quy mô vừa và nhỏ tại địa phương. 

        Về tổ chức bộ máy: UBND các phường, xã đều thành lập Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa theo chế độ kiêm nhiệm, không hưởng phụ cấp. Các Nhà văn hóa đều xây dựng quy chế hoạt động và tuyên truyền phổ biến cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn biết, thực hiện.

         Về kinh phí hoạt động: Để duy trì quản lý và hoạt động tại các nhà văn hóa, hằng năm địa phương đều trích một phần kinh phí từ ngân sách thành phố phân bổ chi cho hoạt động văn hóa, thể thao để hỗ trợ cho công tác quản lý và hoạt động của nhà văn hóa (chủ yếu chi tiền điện, nước). Đối với các nhà văn hóa xã xây dựng nông thôn mới, ngân sách đầu tư trang bị các thiết chế đồng bộ; việc bổ sung, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị tập luyện chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa do nhân dân tham gia tập luyện đóng góp và vận động doanh nghiệp.

       b) Thiết chế văn hóa - thể thao khối, thôn

       Hiện nay 91/91 khối, thôn trên địa bàn có Nhà văn hóa. Do quỹ đất xây dựng và nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên hầu hết các nhà văn hóa khối, thôn quy mô nhỏ, diện tích hội trường chỉ khoảng từ 70 - 120m2. Các Nhà văn hóa đều trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động của Nhà văn hóa như: Bộ thiết bị âm thanh; trang trí, khánh tiết, bàn ghế; tủ sách, tranh, ảnh tuyên truyền phục vụ thiếu nhi; bản tin, nội quy hoạt động…

        Một số Nhà văn hóa có khuôn viên rộng nên khối, thôn đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện thể dục thể thao như: xà đơn, xà kép, sân cầu lông, bàn bóng bàn, cờ vua, cờ tướng phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của nhân dân.

       Về kinh phí đầu tư xây dựng: Từ năm 2013 đến nay, đã có 61 Nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hoặc nhận bàn giao của cơ quan, đơn vị, ngoài số kinh phí được tỉnh cấp theo quy định, thành phố đã bố trí ngân sách để xây mới, sửa chữa, cải tạo các NVH với số tiền từ 600 triệu đến 1 tỷ/nhà văn hóa xây mới và từ 100 triệu đến 500 triệu đối với sửa chữa nhà văn hóa.

        Về bộ máy quản lý: Hầu hết các Nhà văn hóa thôn, khối phố chủ yếu do Bí thư hoặc Trưởng thôn, Trưởng khối phố hoặc các Ban chủ nhiệm trực tiếp quản lý. Một số ít Nhà văn hóa giao cho cán bộ phụ trách hoạt động đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên quản lý.

       Về kinh phí hoạt động: Trong những năm qua, ngân sách không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khối phố. Các Nhà văn hóa hoạt động chủ yếu theo phương châm tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân địa phương và các hội viên tham gia Câu lạc bộ văn hóa, thể thao đóng góp.

       c) Các thiết chế do các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng

       Do ngân sách nước còn hạn hẹp, do quỹ đất còn hạn chế nên việc thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng thiết chế, cơ sở vật chất là giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động  thể dục thể thao cho nhân dân.

       Nhiều đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và hoạt động có hiệu quả; nhiều cơ sở mở các lớp đào tạo, giảng dạy các môn năng khiếu… Hiện nay trên địa bàn thành phố có 16 sân bóng đá mini, 21 sân cầu lông, 05 CLB thể dục thể hình và các sàn tập luyện các môn năng khiếu như: hát, khiêu vũ, bơi, erobic, yoga, thể dục thể hỉnh… góp phần vào việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện và cung cấp các tài năng văn hóa, thể thao cho thành phố.

        2. Khó khăn, hạn chế

       Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao thành phố còn thiếu nên khó khăn cho việc tổ chức, hoạt động sự nghiệp văn hóa, thể thao (hiện nay chủ yếu sử dụng tại các thiết chế văn hóa - thể thao của tỉnh và thiết chế xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân);

          Việc bố trí quỹ đất để quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu; một số thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở diện tích, quy mô nhỏ; trang thiết bị ở một số thiết chế chưa đảm bảo.

         Một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động, nội dung và hình thức thiếu phong phú, chưa khai thác hết khả năng sử dụng. Hoạt động chủ yếu phục vụ hội họp của khu phố, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Thậm chí có ít nhà văn hóa còn sử dụng sai mục đích, cho gia đình hoặc cá nhân thuê sử dụng một phần để kinh doanh…

         Kinh phí hỗ trợ hoạt động tại nhà văn hóa khối, thôn còn hạn chế, chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao so với nhu cầu thực tế chưa cao.

        Công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã, phường chủ yếu do cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách. Nhà văn hóa khối, thôn được giao cho khối, thôn (trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, trưởng ban mặt trận) kiêm nhiệm nhiều việc và không có phụ cấp trong việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa nên khó phát huy lòng nhiệt tình và trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút quần chúng nhân dân.

        Cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh nay không còn phù hợp, quá ít so với nhu cầu thực tế để xây dựng một NVH. Theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 29/7/2016 của HĐND tỉnh Lạng Sơn và Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn, mức hỗ trợ xây mới nhà văn hóa khối, thôn: 60 triệu đồng/nhà, bao gồm: xây dựng 50 triệu đồng; mua sắm trang thiết bị 10 triệu đồng. Hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng xây dựng nông thôn mới chưa có sân tập thể dục thể thao: 60 triệu đồng/sân; Trong khi đó tại địa bàn Thành phố, xây dựng 01 nhà văn hóa khối, thôn từ 600 triệu đồng đến trên 1 tỷ; đầu tư sân tập thể dục, thể thao xã, phường từ 1 tỷ trở lên.

        Việc xây dựng thiết chế văn hóa thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng nên hiệu quả chưa cao, tính ứng dụng lâu dài chưa bền vững. Khả năng huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

        Nguyên nhân khó khăn, hạn chế

        Một số cấp ủy, chính quyền, bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sự nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay, nên chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao và các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

        Quỹ đất hiện nay (trong khu dân cư khối phố) hạn chế nên việc mở rộng các nhà văn hóa, bố trí sân chơi phục vụ cho hoạt động thể dục - thể thao còn khó khăn.

       Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động của nhà văn hóa khối, thôn chưa có, nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Cán bộ kiêm nhiệm hoặc trực tiếp quản lý tại các nhà văn hóa hiện nay không được hưởng phụ cấp.

       Trang thiết bị sử dụng tại các Nhà văn hóa được đầu tư từ nguồn xã hội hóa còn bất cập và chưa đồng bộ; thiết bị hỏng hóc chưa được thay thế kịp thời.

        3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

        Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, nâng cao chất lượng “phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhằm phát huy vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa cơ sở và tránh tình trạng các thiết chế văn hóa hoạt động không hiệu quả, hoặc sử dụng sai mục đích, quản lý yếu kém… Thành phố sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp sau:

        Một là, Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao từ thành phố đến cơ sở, cụ thể:

       - Đối với các thiết chế văn hóa - thể thao diện tích quy mô nhỏ, Thành phố sẽ có phương án thỏa thuận, bồi thường thu hồi đất trong dân để mở rộng diện tích sử dụng thiết chế.

       - Đối với các thiết chế văn hóa - thể thao sử dụng quá lâu, xuống cấp, sẽ thực hiện đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch bố trí vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp theo giai đoạn, theo năm.

        - Đối với các phường chưa có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, sẽ tiếp tục có chủ trương, kế hoạch xây dựng Trụ sở làm việc mới cho các phường để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ. Các trụ sở này sẽ bố trí 01 Hội trường trung tâm, trang bị đầy đủ các điều kiện phục vụ cho hội, họp và sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

       - Tiếp tục tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp hoàn thiện, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao của cơ quan, đơn vị.

        Hai là, Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động phù hợp với các tổ chức đoàn thể khối, thôn và với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của khối thôn, của các đoàn thể, các câu lạc bộ, tránh sự nhàm chán, tạo sự mới mẻ hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia.

       Quan tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho đoàn viên thanh niên và các cháu thiếu niên trong các dịp nghỉ hè. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân mở các lớp dạy năng khiếu, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ, bơi...

        Ba là, Nhằm phát huy hiệu quả cao hơn công năng sử dụng của Nhà văn hóa, thời gian tới sẽ triển khai mỗi phường, xã chọn 02 Nhà văn hóa khối, thôn làm điểm, chỉnh trang lại nội quy, trang trí nhà văn hóa theo mô hình phòng truyền thống bao gồm: nơi trưng bày các thành tích của thôn đã đạt được, ảnh hoạt động của thôn; trưng bày các trang phục dân tộc; trang trí và trồng các bồn hoa; triển khai các hoạt động... Từ đó sẽ đánh giá, nhân rộng mô hình triển khai, thực hiện.

        Bốn là, Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; phát huy quy chế dân chủ cơ sở, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy ước hương ước, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó tạo niềm tin và nâng cao vai trò của nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

        Có thể nói, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của toàn xã hội. Để tạo nên những thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển, để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành và sự tham gia của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam./.

                                                                               Hoàng Minh Thảo

                                           Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn