THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG GÓP PHẦN BÀI TRỪ HỦ TỤC LẠC HẬU

         Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới có diện tích tự nhiên 8.305 km2, có 11 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố và 10 huyện. Phía Bắc tiếp giáp với Quảng Tây - Trung Quốc; Phía Tây tiếp giáp tỉnh Cao bằng, Thái nguyên, Bắc Kạn; Phía Nam tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang; Phía Đông tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh. Có đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc dài hơn 235,3 km với 02 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu Hữu Nghị về đường bộ, cửa khẩu Đồng Đăng về đường sắt; 02 cửa khẩu chính và 8 cặp cửa khẩu phụ. Lạng Sơn là điểm đầu của Việt Nam trong  hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), là cửa ngõ lớn và thuận lợi giữa Việt Nam với Trung Quốc cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống giao thông khá thuận lợi, có các quốc lộ1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua.

         Lạng Sơn được thiên  nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh và hơn 500 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích danh thắng đã đi vào thi ca và lòng người. Dân số hơn 78 vạn người, gồm 07 dân tộc chủ yếu là các dân tộc ít người, trong đó Nùng chiếm  43,9%, Tày chiếm 35,3%, Kinh chiếm 15,3%, ngoài ra là một số dân tộc thiểu số khác như Mông, Sán Chỉ, Hoa, Dao. Mỗi dân tộc đều chứa đựng nhiều nét văn hoá, phong tục tập quán mang những đặc trưng riêng của một vùng quê Xứ Lạng như các lễ hội truyền thống với hơn 300 lễ hội, nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong đám cưới, các ngày lễ tết, các món ăn ẩm thực...

         Trong những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành hơn 300 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa nói chung, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nói riêng như: Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 17/10/2007 về đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công tác trong các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan; Chỉ thị số 07-CT/TU  ngày 23/5/2011  về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” giai đoạn ( 2011-2015 ); Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 17/10/2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” giai đoạn ( 2016-2020); Quyết định số1465/QĐ-UB, ngày 20/8/1999 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc ban hành Quy ước tạm thời thực hiện Nếp sống văn minh trong việc  cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số 31/2005/QĐ-UBND ngày 08/11/2005 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đền, chùa và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết số13-NQ/TU, ngày 19/4/2007 của Tỉnh uỷ Lạng Sơn về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (ban hành kèm theo Quyết định số: 13/2010/QĐ-UBND ngày  09/11/2010  của  Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn), Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015... Nhờ đó việc cưới, việc tang  và  lễ hội đã gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị, các hủ tục  lạc hậu, mê tín  dị đoan, rườm rà, tốn kém thời gian và công sức đã loại bỏ dần trong tâm thức của người dân, cụ thể trên các mặt như sau:

          1. Trong việc cưới: Giai đoạn 2015-2019 trên địa bàn toàn tỉnh thống kê được: 27.887 đám cưới được tổ chức; 25.866 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh (92,8%); 2.021 đám cưới chưa thực hiện theo nếp sống văn minh (7,2%); 27.385 cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn (98,2%) Nhìn chung việc cưới đều giữ được nét đẹp truyền thống, phù hợp với điều kiện của từng gia đình và phong tục tập quán của từng dân tộc. Đám cưới trong các gia đình cán bộ, công chức đã được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, không ảnh hưởng đến thời gian làm việc, song vẫn còn một số gia đình tổ chức tốn kém, phô trương và lãng phí, tổ chức mời dự tiệc cưới vào giờ làm hình chính... Đa số đám cưới của nhân dân vùng cao, biên giới, vùng dântộc thiểu số đã loại bỏ được tình trạng ăn uống dài ngày và những hủ tục như so số, thách cưới, đòi của hồi môn... giảm được tệ nạn cờ bạc, uống rượu.

         - Thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình: Đa số nam nữ đến tuổi kết hôn có ý thức đến đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường, thị trấn. Một số đôi vợ chồng chưa đăng ký, sau khi được tuyên truyền vận động cuả ngành chức năng và các đoàn thể đã tự giác đến làm thủ tục đăng ký theo quy định pháp luật.

        - Thực hiện các nghi thức trong kết hôn:

        + Lễ dạm ngõ: được duy trì ở cả khu vực nông thôn và thành phố, đây là nét đẹp của phong tục tập quán và lễ đơn giản, không đòi hỏi lễ vật và nghi thức rườm rà, tốn kém.

        + Lễ hỏi: có sự phân định hai vùng, ở khu vực thành phố lễ hỏi được tổ chức cùng ngày với lễ cưới, ưu điểm là tiết kiệm được thời gian và chi phí . Ở khu vực thị trấn và vùng nông thôn đa số vẫn tách riêng lễ hỏi và lễ cưới. Nhìn chung, các nghi lễ phong tục truyền thống như : rước, đón, đối đáp bằng các loại hình dân ca hát Quan làng của dân tộc Tày, Cỏ Lẩu của dân tộc Nùng đã bị mai một, thay thế vào đó đến với đám cưới chủ yếu là ăn mừng.

        + Lễ cưới: Hiện nay tại thành phố tổ chức gọn nhẹ trong 01 ngày, nhưng còn  nặng về số mâm cỗ, có lễ cưới từ 80 -100 mâm, gần nghìn khách mời và việc tổ chức này thường là cán bộ, đảng viên, một số gia đình giàu có. Vùng nông thôn còn tổ chức cưới từ 2 đến 3 ngày (01 ngày cưới chính, 02 ngày chuẩn bị và tổ chức trong nội tộc họ hàng, ăn uống cho người phục vụ), trong đó một số khu vực thị trấn đã thực hiện cưới trong ngày theo khu vực thành phố như thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.Tại thành phố và thị trấn, cô dâu, chú rể thường mặc trang phục hiện đại du nhập từ phương tây như váy tầng, com lê, trang phục này đã phổ biến về đến các xã, vùng nông thôn. Hiện nay đám cưới mặc theo trang phục truyền thống của dân tộc rất hạn chế. Sự du nhập phong cách trang phục mới trong ngày cưới của cô dâu, chú rể đã đánh mất dần bản sắc dân tộc, ý thức nhận thức về văn hoá dân tộc còn nhiều hạn chế. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được nét đẹp của tập tục truyền thống, như: Thủ tục cho cô dâu ra cửa, tục lại mặt nhận rể mới, hát mừng đám cưới bằng hình thức văn nghệ dân tộc, đón dâu bằng hát đối đáp các hình thức hát dân tộc: quan lang, lượn (dân tộc Tày), páo dung (dân tộc Dao), sli (dân tộc Nùng)...Đến nay vẫn còn ở một số vùng, xã  thuộc huyện Tràng Định, huyện Bắc Sơn, Văn Quan còn giữ gìn.

         2. Trong việc tang: Nhân dân đã từng bước xoá bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện quy định trong việc tang, các tổ chức Hội hiếu, hàng phe thôn, bản, khối phố tiếp tục duy trì và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Việc tổ chức lễ tang ở nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực theo nếp sống mới như hạn chế uống rượu, hútthuốc lá trong đám tang, thực hiện mâm lễ viếng, vòng hoa quay vòng, các nghi lễ, thủ tục, an táng được cải tiến, giảm thiểu việc đốt vàng mã trên đường đưa tang... Việc quy hoạch nghĩa địa, mộ phần được một số huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện...Giai đoạn 2015-2019 trên địa bàn toàn tỉnh thống kê được: có 23.326 đám tang; 20.176 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh (86,5%); 3.150 đám tang chưa thực hiện theo nếp sống văn minh (13,5%);22.919 hộ gia đình đến khai tử tại xã, phường, thị trấn (98,3%)Việc tang được tổ chức đúng quy định, nghi thức thầy mo, thầy tào cũng đã được cải tiến, việc tổ chức phúng viếng tuỳ theo điều kiện của gia đình có người qua đời; hầu hết lễ tang đều có Ban tổ chức lễ tang, có hội hiếu, ban nhạc lễ, hàng phe quy định khá chặt chẽ, hiệu quả cao, trong đó có quy định, quy ước các thành viên trong hội hiếu và hàng xóm có trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình có người qua đời trong việc tổ chức lễ tang. Nhiều nơi thời gian tổ chức lễ tang đã dần được rút ngắn đảm bảo tiết kệm, vệ sinh, an toàn, đặc biệt là nhưng đám tang của người mắc các bệnh truyền nhiễm được tổ chức trong 12 tiếng; một số nơi dân tộc Dao đã thực hiện tốt nét truyền thống trong tổ chức tang lễ đó là "tiên táng, hậu lễ" (chôn cất người tạ thế trước khi mặt trời mọc trong ngày và đến khi nào có điều kiện gia đình mới làm ma chay) đây cũng là một hình thức tích cực và tiến bộ nên tuyên truyền để tham khảo, nhân rộng nếu phù hợp.

        -Về nghi thức: Cơ bản đã được cải tiến, đa số việc tang tổ chức đúng thời gian quy định, lược bỏ những nghi thức rườm rà, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ăn chay, ăn bốc, hạn chế các lễ vật phúng viếng bằng đồ chín và thay thế vào đó là tiền phúng, hoa quả, hương vòng...

        - Về nhạc tang: Đa số nhân dân các xã vùng nông thôn là người dân tộc thiểu số nên chủ yếu sử dụng các loại nhạc cụ như: trống, thanh la, chũm choẹ, xóc nhạc... không sử dụng loa đài nên việc ảnh hưởng âm thanh không đáng kể. Đối với khu vực thành thị chủ yếu sử dụng nhạc tang nhưng hầu hết đều thực hiện theo quy ước nếp sống văn minh của khu phố, khối phố, thường không mở sau 22 giờ đêm và trước 06 giờ sáng. Tuy nhiên có một số đám tang vẫn có hiện tượng mở nhạc quá to gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu dân cư.

        - Về tang phục: hiện nay việc mặc tang phục trên địa bàn hầu hết đều phù hợp với phong tục, truyền thống của địa phương và dân tộc, chủ yếu là vải xô màu trắng hoặc có nơi mặc màu đen được may đơn giản và đeo khăn tang...

        - Về xây cất mộ phần: hầu hết các địa phương đã quy hoạch được khu nghĩa trang nhân dân, tuy nhiên việc xây dựng và tập trung mộ phần còn nhiều khó khăn, nhiều nhà dân chưa an táng tại khu nghĩa trang chung. Tại khu vực thị trấn, vùng nông thôn đa số vẫn chưa được quy hoạch, còn chôn cất tùy tiện theo khu vực ruộng vườn nhà hoặc các khu đồi, núi đất. Đặc biệt một số dòng họ, gia đình giàu có tranh thủ chiếm trước một diện tích khá lớn trong khu nghĩa địa chung xây cất vỏ mộ, tường bao để giữ phần. Điển hình ở khu vực thành phố và một số ít thị trấn trung tâm các huyện. Trong việc địa táng và xây cất mộ phần còn tràn lan, mạnh ai người ấy làm đã ảnh hưởng đến quỹ đất dùng cho sản xuất và đầu tư, xây dựng các công trình nhà cửa, đường xá phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

        3. Trong lễ hội: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 300 lễ hội với tính chất, quy mô khác nhau và chủ yếu là Lễ hội Lồng Thồng ( chiếm khoảng 90% tổng số các Lễ hội trên địa bàn tỉnh); còn lại là các loại hình lễ hội khác như: Lễ hội gắn với di tích tín ngưỡng, Lễ hội lịch sử cách mạng. Các Lễ hội truyền thống và văn hóa, du lịch tiếp tục được duy trì và tổ chức có nề nếp, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Kết quả đã góp phần quảng bá tiềm năng di sản văn hoá, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch trong nước, Quốc tế đến tham quan, du lịch tìm cơ hội đầu tư, góp phần tạo việc làm cho nhân dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

       Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng  mắc. Việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức; thiếu biện pháp thiết thực; thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong việc phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương trong cưới, tang, lễ hội. Việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hoá... ở đa số các địa phương chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về " thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội " đã được đề ra... Công tác  tuyên truyền, vận động chưa được các cấp, các ngành, các đoàn thể tiến hành thường xuyên nên chưa thật  sự đi vào chiều sâu, chưa lan toả đến  mọi  tầng  lớp nhân  dân,  nhất là đồng bào các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong việc cưới, vẫn  còn  xảy  ra  tình  trạng tảo hôn, thách cưới ở một  số vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng cưới không hôn thú ( không đăng ký kết hôn ) vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình vẫn còn xảy ra. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách, hiện tượng thương mại hoá trong tiệc cưới vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng ở một sốvùng đô thị... Trong việc tang, việc để thi hài người chết dài ngày vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; các hiện tượng mê tín dị đoan: cúng ma, yểm bùa, đốt, rải vàng  mã (thậm chí tiền thật) vẫn diễn ra ở một số đám tang; việc phúng điếu quá nhiều vòng hoa, xây mộ nhiều tiền lãng phí; hiện tượng mời các dàn nhạc đàn hát hay mở nhạc với tần suất âm thanh quá lớn trong các đám tang gây ồn ào trong khu dân cư đang có xu hướng phát sinh gây bức xúc trong dư luận nhân dân ở một số địa phương...Trong lễ hội, tình trạng phô trương,lãng phí, thương mại hoá trong các  lễ hội vẫn tồn tại; Việc phục dựng lễ hội truyền thống còn chậm. Các hoạt động về phần hội còn nghèo nàn, đơn điệu, các trò chơi dân gian chưa phát huy được kho tàng dân gian phong phú của địa phương, hoạt động thể thao cũng còn đơn điệu ở vài bộ môn, chưa phát huy được các bộ môn thể thao có màu sắc dân tộc. Một  số hiện tượng mê tín vẫn còn như: hái lộc ngày xuân, đốt đồ mã quá nhiều tại các đền, rút quẻ bói toán, cờ bạc dưới hình thức trò chơi điện tử; một số lễ hội còn ảnh hưởng an toàn giao thông; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.Về hoạt động Lễ hội Văn hóa Du lịch hàng năm do tỉnh tổ chức cũng như đối với cấp huyện, xã hoặc khu vực;  nguồn kinh phí còn hạn hẹp chưa đáp ứng được quy mô lễ hội và nội dung thể hiện.  Các nội dung lễ hội chưa tạo được nét mới hấp dẫn về nội dung, hình thức. Việc triển khai các hoạt động còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa đổi mới đặc biệt là ở các địa điểm diễn ra các hoạt động lễ hội, chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Một số vấn đề đang có xu hướng lan rộng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những năm gần đây một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tín ngưỡng tâm linh, lễ hội để có các hoạt động mê tín dị đoan. Tại địa bàn thành phố, thị trấn, tại các di tích gắn với đền chùa, một số cá nhân đã vụ lợi riêng cho việc tổ chức các hoạt động lên đồng, rút thẻ, đặt tượng, dựng tượng, đặt bát hương, xây dựng đền, miếu...vừa tốn kém về vật chất, tạo tâm lý  không  tốt cho một bộp hận nhân dân, gây khó khăn cho công tác quản lý  của ngành chức năng và chính quyền cấp cơ sở. Tại địa bàn nông thôn, việc mời thầy Mo, bà Then đến làm lễ, giải hạn, 49, 100 ngày còn mang một số yếu tố mê tín, dị đoan. Việc mời khách ăn bữa phụ, bữa nháp trong đám cưới ở khu vực thành phố và thị trấn các huyện ngày càng lan rộng, gây tốn kém về vật chất, thời gian trong nhân dân; Việc dựng rạp, lấn chiếm lòng đường, hè phố để tổ chức lễ cưới, tang ma, lễ hội tại khu vực thành phốvà thị trấn gây cản trở giao thông. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

        - Tiếp tục thực hiện kết luận Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương V, khoá VIII của Đảng về “ Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc ” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, địa phương về việc thực hiện nếp sống văn hóa văn minh trong  việc cưới,  việc  tang  và  lễ hội,  Luật  di  sản văn hóa, Pháp lệnh tín ngưỡng  tôn giáo và các văn bản liên quan khác.

        - Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ”. Tăng cường công tác Lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đưa công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở vào các Nghị quyết của Đảng Nhằm tạo bước chuyển biến mới về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần vào việc thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về " Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ".

         - Tăng cường huy động các tầng lớp nhân dân các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh  nghiệp trên địa bàn tham gia tích cực và tự giác vào các hoạt động của lễ hội, đẩy  mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phục vụ lễ hội nhằm khai thác, bổ sung và giới thiệu được nhiều sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần các sản phẩm văn hóa địa phương để phục vụ khách tham quan.

        - Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, kiện toàn các văn bản, thể chế luật pháp nhằm năng cao hiệu lực quản lý nhà nước và định hướng cụ thế, mang tính chiến lược và bền vững trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, hạn chế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nghiên cứu phát huy các giá trị tiến bộ của luật tục trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu để có thể tổ chức định kỳ hàng năm.

        - Xây dựng cơ chế hoạt động và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền đoàn thể và các đơn vị liên quan ở địa phương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm  bảo  giữ gìn vệ sinh môi trường; sắp xếp các hàng quán, dịch vụ hợp lý tại di tích trong dịp lễ hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịp lễ hội để tăng, ép giá đối với du khách và lợi dụng việc bảo vệ phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín,  dị đoan hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác, trái với thuần phong, mỹ tục, nếp sống văn hóa của dân tộc.

        - Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng  viên, công nhân viên chức trong ngành, các  cá  nhân liên quan về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

        - Nghiên cứu, bổ sung Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể và cá nhân các địa phương có nhiều thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Định kỳ sơ kết, tổng  kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                         Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình

                                                                                           Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch