KHÁI QUÁT MỘT SỐ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN, QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CƠ SỞ

         Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hoá, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở.

        Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

        Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các bộ, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang đã có những chuyển biến hoạt động tích cực, thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hoá, thể thao, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, hạt nhân cho phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hoá.

        Hệ thống thiết chế đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Đảng, Nhà n­ước; tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, câu lạc bộ sở thích, các lớp bồi d­ưỡng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, các hoạt động đang từng bước được mở rộng đa dạng và phong phú, nội dung chương trình hoạt động ngày càng tinh, gọn, thiết thực và phù hợp hơn với nhu cầu của đông đảo người tham gia. Đặc biệt các lớp học và các câu lạc bộ sở thích đã nhanh nhạy, bắt kịp với những thay đổi thị hiếu của xã hội.

        Trình độ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý ở các cấp, ngành đang từng bước được cải thiện, chú trọng tới trình độ chuyên môn nghiệp vụ về quản lý văn hoá. Các địa phương đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở với kỹ năng tổ chức sự kiện: giao lưu, hội thao, hội diễn, kỹ năng phát hiện và bồi dưỡng hạt nhân văn hóa, thể thao cơ sở…

         Để định hướng cho hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, ngày 11 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong 05 năm qua, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp và yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng như: chỉ đạo việc đầu tư cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở; tăng cường đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, thể thao ở các cấp; tạo cơ chế tự chủ (xã hội hóa) cho các thiết chế; đổi mới phương thức, nội dung hoạt động tại các thiết chế; đầu tư trang thiết bị chuyên dùng.

         Thông qua việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết TW9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

        Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên toàn quốc do ngành văn hóa, thể thao và du lịch trực tiếp quản lý, bao gồm:

        - Cấp tỉnh: 69 (Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Thông tin Triển lãm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật...).

         - Cấp huyện: 651/713 quận, huyện có Trung tâm Văn hoá - Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 91%;

        - Cấp xã: Có 7.456/10.184 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, đạt tỷ lệ 73,2%;

         - Cấp thôn: Có 75.996/101.732 thôn, bản… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ 74,7%;

         Để đạt được những kết quả trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu và ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động và tiêu chí của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từ cấp tỉnh đến thôn, làng, bản, ấp...để thực hiện cụ thể:

          - Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.

         - Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”;

        - Thông tư số 03/2009/TT-BVHTTDL ngày 28/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

          - Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

         - Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

         - Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa - Thể thao xã;

         - Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn;

        - Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể thể dục thể thao cơ sở;

       - Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TT- BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011 quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Nhà Văn hóa-Khu Thể thao thôn;

       - Thông tư số 14/2016/TT-BVHTTDL ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm văn hóa - Thể thao phường, thị trấn.

        Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại các thiết chế, văn hóa thể thao cơ sở, Cục Văn hóa cơ sở đưa ra một số giải pháp sau:

          Một là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở:

         Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở; phát huy tinh thần chủ động, tích cực nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng quá trình phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

          Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

          Hai là, tăng cường nguồn lực phát triển phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở:

        Tranh thủ các nguồn đầu tư để ưu tiên cho mục tiêu phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đưa các đội hoạt động chuyên ngành như thông tin lưu động, văn nghệ xung kích, chiếu bóng lưu động... xuống xã, thôn, buôn để vừa phục vụ vừa tuyên truyền, đồng thời kèm theo các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao ở các khu dân cư.

         Tổ chức đánh giá thực trạng, xây dựng, phê duyệt và thực hiện Quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; hỗ trợ xây dựng và trang thiết bị cho nhà văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

         Đầu tư 100% kinh phí xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao cấp thôn, ưu tiên vùng có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, hàng năm tỉnh đầu tư từ 1-1,2 % ngân sách sự nghiệp để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao xã-thôn. Lựa chọn và xây dựng thí điểm phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, sau đó nhân rộng mô hình xã điểm.

         Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

        Lồng ghép Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp VH, TT và DL ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở.

         Hỗ trợ kinh phí và có chế độ thù lao cho các nghệ nhân để mở các lớp đào tạo, truyền dạy, hướng dẫn làm các nhạc cụ truyền thống như: đàn, sáo..;chỉnh âm, đánh cồng chiêng và các nghề truyền thống khác…nhằm lưu truyền cho các thế hệ sau, đồng thời nâng cao lòng tự hào của dân tộc.

         Ba là, quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa nông thôn:

         Ðể triển khai tốt việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cần có sự quan tâm sâu sắc và sự thống nhất từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã, có thể coi đó là yếu tố quyết định. Sự quan tâm đó phải được thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể như quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.

         Thiết chế văn hóa cơ sở là tổ chức hoạt động nghiệp vụ văn hóa, vì vậy việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa phải đồng thời nhằm vào hai nội dung: Xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất.

          Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá:

        Hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai các nội dung phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh các nội dung triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương./.

                                                                                                                         Vũ Phạm Thanh Hương

                                                                                               Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Văn hóa cơ sở