BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC DI SẢN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CƠ SỞ

          Hoạt động văn hoá cơ sở là hoạt động văn hoá diễn ra ở cộng đồng gia đình, làng, bản, xóm, ấp, doanh nghiệp, cơ quan…gắn liền với sinh hoạt vật chất và tinh thần của cá nhân và cộng đồng trong các mối liên kết thường xuyên và trực tiếp với không gian địa lý nhất định cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và các thiết chế văn hoá nhất định.

          Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với hoạt động văn hóa cơ sở là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với xây dựng văn hóa ngay từ trong gia đình và trong cộng đồng dân cư, cộng đồng nghề nghiệp diễn ra sinh hoạt văn hoá thường nhật của quần chúng nhân dân nhằm khôi phục, giữ gìn cái hay, cái đẹp có tính cách riêng biệt, độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, làm cho mọi người đều cảm nhận được cái hay, nét đẹp đó, có ý thức giữ gìn, trân trọng, nâng niu và tự hào về dân tộc mình, quê hương đất nước mình. Qua đó tạo lập không gian, môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

          Lạng Sơn - một trong những tiểu vùng văn hóa tiêu biểu của vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung, là tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, mảnh đất hội tụ và sinh tồn của 7 dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc ít người khác. Mỗi dân tộc tuy không hình thành nên những địa bàn định cư riêng biệt những có sự tập trung ở một số vùng nhất định, với những bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó cũng có một số dân tộc sinh sống hòa thuận, quây quần bên nhau tạo nên sự giao thoa văn hóa hết sức đa dạng. Đồng thời, với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu văn hóa, kinh tế với Trung Quốc, điểm giao thoa hội tụ của nhiều nền văn hóa đã hình thành nên một diện mạo văn hóa Xứ Lạng đa dạng trong thống nhất và mang tính đặc thù riêng của vùng.   

          Hiện nay, song song với  335  di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã  được  xếp hạng các cấp và đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh, Lạng Sơn có khoảng gần 300  lễ hội lớn nhỏ khác nhau cùng những làn điệu dân ca, dân vũ, trò vui đặc sắc diễn ra trong lễ hội, ngày vui như: hát then - đàn tính; hát SLi, hát Cò Lẩu (dân tộc Nùng);  Hát Ví, hát Lượn, hát Quan Làng, Phong Slư (dân tộc Tày); hát Xắng Cọ (dân tộc Sán Chỉ); múa sư tử, múa võ dân tộc, trò sĩ – nông – công – thương, ẩm thực dân tộc; nghề thủ công truyền thống (làm ngói âm dương, nấu rượu,  nhuộm chàm, thêu, dệt thổ cẩm)... và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác. Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo cơ sở, tiền đề phát triển các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc trưng, bản sắc văn hóa vùng đất con người Xứ Lạng đến với bạn bè trong, ngoài nước.

          Xác định công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ then chốt góp phần tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Trong những qua thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW,  ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “ Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 39/1998/CT – TTg của Thủ tướng chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định số 124/2003/QĐ – TTg, ngày 17/6/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 13 -NQ/TU, ngày 19/4/2007;  Nghị quyết số 25- NQ/TU, ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ  Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015…Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc và đã đạt được một số thành tựu cụ thể như:

          - Về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản: Từ năm 1998 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện trên 20 dự án nghiên cứu phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội, dân ca, dân vũ, cùng nhiều phong tục tập quán truyền thống của đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tiến hành tổng hợp, nghiên cứu, biên tập, phát hành thành hàng chục đầu sách ở nhiều loại hình, lĩnh vực liên quan đến lịch sử, văn hóa, đồng sống sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh làm cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng, bản sắc văn hóa, con người Xứ Lạng cho nhân dân và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Đây không chỉ là sản phẩm khoa học hoàn chỉnh mà còn góp phần tạo lập chất liệu nghệ thuật mang đậm tính dân gian bản địa, văn hóa tộc người để các văn, nghệ sỹ sáng tác, cải biên, chỉnh lý, nâng cáo các tác phẩm nghệ thuật phù hợp với thị hiếu của công chúng, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng, nâng niu và tự hào về dân tộc mình, quê hương đất nước mình.

          - Về in ấn, phát hành các ấn phẩm văn hóa: Thực hiện dự án đầu tư sản xuất và cung cấp các ấn phẩm văn hóa thông tin cho đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn từ năm 2011 đến năm 2015 đã tổ chức phân bổ, cung cấp, sách, báo, ấn phẩm văn hóa cho thư viện các huyện, điểm bưu điện văn hóa, tủ sách pháp luật của các xã, phường thị trấn, các thiết chế văn hóa, thể thao đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, các xã vùng III và xã vùng II có thôn vùng III từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia 31.458 bản (trong đó sách: 23 loại, 6.075 cuốn; tờ rơi, tờ gấp, tranh, hình ảnh minh họa: 8 loại 16.198 tờ; đĩa VCD: 13 loại, 9.185 chiếc).

          - Về công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học: Hoàn thành công tác kiểm kê trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố; lập 08 hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phối hợp với Viên Âm nhạc và các tỉnh, thành phố xây dựng bộ hồ sơ di sản “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lập 21 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”; 05 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”.

          - Tham gia, tổ chức các sự kiện: Song song với công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của các dân tộc. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên đạo dàn dựng các chương trình, tiết mục văn hóa, văn nghệ quần chúng, nghệ thuật chuyên nghiệp được quan tâm, đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết phục vụ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những nét đặc trưng, tiêu biểu về vùng đất, con người Xứ Lạng. Qua đó góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật; kết nối, hội tụ, tạo lập không gian văn hóa cho các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, ươm mầm, nhen nhóm, giữ lửa cho phong trào, hoạt động, sự nghiệp văn hóa, văn nghệ  từ tỉnh đến cơ sở ngày càng lan tỏa và phát triển bền vững.

          - Về công tác truyền dạy, bảo lưu, trao truyền di sản văn hóa: Luôn được quan tâm, chú trọng, không chỉ  được  triển khai giảng dạy trong chương trình đào tạo của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh;  hoạt động ngoại khóa của các trường Phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh mà còn được quan tâm, duy trì phát triển trong cộng đồng, đặc biệt là ở cơ sở thông qua các lớp truyền dạy do Sở VHTTDL tổ chức hàng năm, các buổi sinh hoạt ở các câu lạc bộ, tổ đội văn nghệ dân ca trực thuộc Hội bảo tồn dân ca tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh và các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn.

          - Hoạt động ghi hình và phát sóng truyền hình: phối hợp với Đài truyền hình tỉnh, Đài truyền hình trung ương (VTV1, VTV2, VTV4, VTV5, VTC 10, VTC16..) tổ chức ghi âm, ghi hình, dựng thành phim tư liệu đưa vào đĩa vi tính các làn điệu dân ca truyền thống; Phát sóng, in và nhân bản hàng ngàn băng, đĩa, ấn phẩm phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng bào cả nước đặc biệt là phát trên kênh truyền hình phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.

          - Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Là một trong 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển văn hoá, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hoá tinh thần lành mạnh; góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp cư dân.

          Các hoạt động trên, đã có tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thể chất cho nhân dân, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh; tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, xây dựng, đẩy mạnh phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở  trong đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng “xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” tiến tới “phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”.

          Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện, đã tác động một cách sâu rộng đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Lạng Sơn được đặt ra còn muộn, chưa được như mong muốn, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa chưa, tương xứng với tiềm năng hiện có; việc nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu và còn mang tính phiến diện, nhiều di sản văn hóa đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống, nhiều nếp sống sinh hoạt văn hóa không phù hợp với đời sống tại, các tệ nạn mê tín dị đoan ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại; các loại hình ngữ văn dân gian, văn học nghệ thuật truyền thống như: truyện cổ tích, thần tích, thần phả, sắc phong, ca dao, tục ngữ, văn học dân gian… chưa được nghiên cứu, sưu tầm và thu thập một cách khoa học và có hệ thống, trang phục, tiếng nói chữ viết của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một…Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra, thì trong tương lai không xa những đặc trưng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc sẽ bị “hòa tan” dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cùng sự du nhập của nền “văn hóa ngoại lai”. Đặc trưng văn hóa truyền thống nói chung, hoạt động, phong trào văn hóa cơ sở nói riêng sẽ dần mai một và biến mất, thay vào đó là sự pha tạp, lai căng của nhiều nền văn hóa khác nhau và mỗi dân tộc sẽ tự đánh mất hình ảnh của tổ tiên, đánh mất bản sắc văn hóa, dân tộc mình và sự tồn tại của chính mình.

          Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do công tác quản lý còn bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu những giải pháp khả thi, chư­a có được những mô hình, những phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thực sự hiệu quả ở cơ sở. Các sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến nó thành những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh có tính thường xuyên và tính xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong khâu tổ chức. Thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn và phát huy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian vào đời sống xã hội; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư­, bố trí cho lĩnh vực này còn ít ỏi và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt cán bộ làm công tác văn hóa là người các dân tộc thiểu số ở địa phương. Những sáng tác, những tác phẩm, những công trình nghệ thuật, những tài năng lớn thừa kế và nâng cao được các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc để có thể tạo được sức lôi cuốn hấp dẫn công chúng vào các sinh hoạt văn hóa truyền thống còn hạn chế. Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc dù đã có nhiều tiến triển trong việc giảng dạy, học tập, phổ biến nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, ch­ưa đủ mạnh để hỗ trợ đắc lực cho yêu cầu phục hư­ng nền văn hóa dân tộc. Việc xã hội hóa những chương trình văn hóa nghệ thuật mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, dù đã đạt được những kết quả khích lệ nhưng vẫn ch­ưa thu hút được đông đảo công chúng quan tâm thực sự. Đa số các độc giả, khán giả, thính giả hiện nay, nhất là lớp trẻ vẫn có xu thế vọng ngoại, thậm chí còn mang tính thực dụng làm hạn chế việc phát huy hiệu quả của nền văn hóa truyền thống.

          Bên cạnh đó, trong thời gian dài một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, chư­a chú trọng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu cho việc bảo tồn, phát huy nền văn hóa truyền thống. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc ch­ưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các tầng lớp dân cư­ trên toàn tỉnh. Và nguyên nhân quan trọng hơn cả là một chiến l­ược đầu t­ư cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống... vẫn còn là một khoảng cách nhất định giữa lý luận và thực tiễn.

          Trước tình hình và thực trạng đó, để khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm  bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động văn hóa cơ sở trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

          Một là, Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về cơ sở, phục vụ tối đa nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo, vùng khó khăn theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TƯ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nghiên cứu, tham mưu các nhóm giải pháp xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân.

          Hai là, Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị  và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

          Ba là, Nâng cao vai trò quản lý, định hướng của nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác, xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó cần chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống” tức là bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc.

          Bốn là, Tổ chức nghiên cứu, s­ưu tầm nâng cao các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc để đáp ứng nhu cầu thực tế, phục hồi, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống và tiến tới hướng dẫn con em người dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Phát động việc sáng tác các bài hát, điệu múa cho đồng bào sử dụng trong các buổi lễ, ngày hội, mừng được mùa nhằm từng bước thay thế những phong tục tập quán lạc hậu.

          Năm là, Tiếp tục tổ chức các hoạt động lớn như­ ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa dân tộc, hội thi giọng hát của người dân tộc thiểu số. Cần có biện pháp giúp đồng bào bảo tồn các di sản văn hóa, bảo tồn phát huy nghề và làng nghề truyền thống, các loại hình ngữ văn dân gian và văn học nghệ thuật truyền thống giữ gìn sắc phục của dân tộc, khuyến khích mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày lễ, tết...

          Sáu là, Có định hướng trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, hạn chế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nghiên cứu phát huy các giá trị tiến bộ của luật tục trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dan cư. Phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu để có thể tổ chức định kỳ hàng năm.

          Bảy là, Coi trọng và có chính sách đào tạo cán bộ là người dân tộc, có kế hoạch sử dụng các học sinh dân tộc đã tốt nghiệp ra trường để họ được về phục chính đồng bào mình.

          Tám là, tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, giao lưu, hợp tác trong với các địa phương trong và ngoài nước trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

          Để làm tốt những giải pháp trên, vấn đề then chốt là chúng ta phải đổi mới và nâng cao nhận thức, xem cơ sở là địa bàn chiến lư­ợc của sự nghiệp cách mạng, nơi biến những quan điểm của Đảng và Nhà n­ước thành hiện thực, là môi trường sống, nơi sinh ra và cũng là nơi l­ưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số. Bởi vậy, nếu chúng ta có chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn dân và các cấp, các ngành tham gia, hưởng ứng và chắc chắn rằng khi hội tụ đủ sức mạnh tổng hợp ấy thì nhất định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc tại địa phương./.

                                                     Phòng Quản lý Văn hóa - gia đình, Sở VH,TT&DL